Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai Tuần II Mùa Phục Sinh. 13.04.2015

Thánh Mác-ti-nô I, giáo hoàng
PHÚC ÂM:   Ga 3, 1-8
"Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái.2 Ông đến gặp Ðức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy".
3 Ðức Giêsu trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi ơn trên".4 Ông Nicôđêmô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?"
5 Ðức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.6 Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là thần khí.7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy".

Suy niệm:
 Sinh ra bởi nước và Thần Khí  

Con người được Thiên Chúa sinh ra từ muôn đời trong tình yêu. Nhưng tội lỗi đã hủy hoại sự sống thần linh nơi con người. Vì thế ta cần phải được tái sinh trong Chúa Kitô, nhờ nước rửa tội và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Bài Phúc Âm hôm nay trình bày một phần của đoạn hội thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô. Nicôđêmô xuất hiện vài lần trong Phúc Âm của Gioan (Ga 3, 1-13; 7, 50-52; 19, 39). Ông là người giữ địa vị xã hội nhất định. Ông là một thủ lãnh của người Do Thái và là thành phần của thượng hội đồng, gọi là Synedrium. Trong Phúc Âm Gioan, ông đại diện cho nhóm người Do Thái đạo đức và chân thành, nhưng không thành công trong việc hiểu được mọi điều Chúa Giêsu đã nói và làm.
Nicôđêmô đã từng nghe về các dấu lạ và những điều kỳ diệu mà Chúa Giêsu đã làm, và ông ấy bị đánh động, bị ngạc nhiên. Ông muốn nói chuyện với Chúa Giêsu để hiểu rõ hơn. Ông là một người có văn hoá, người đã nghĩ là ông tin mọi điều của Thiên Chúa. Ông kỳ vọng Đấng Messia với Sách Luật trong tay sẽ xác minh điều mới lạ được loan báo bởi Chúa Giêsu sẽ đến. Chúa Giêsu làm cho Nicôđêmô hiểu rằng cách duy nhất để hiểu những điều của Thiên Chúa là cần được tái sinh! Ngày nay điều tương tự cũng diễn ra. Một số người giống như Nicôđêmô: chấp nhận như sự mới lạ với chỉ những điều mới trùng khớp với suy nghĩ của họ. Những điều không trùng khớp với suy nghĩ của họ thì bị từ chối và bị xem như là trái với truyền thống. Những người khác cho phép bản thân họ được ngạc nhiên từ thực tế và không ngại nói rằng: "Tôi đã được sinh ra một lần nữa!"

Sống Lời Chúa:
Bí tích Thánh Tẩy còn được gọi là phép Tái Sinh, nghĩa là sinh lại một cách thiêng liêng bởi nước và Chúa Thánh Thần. Bí tích này là cánh cửa Đức Tin dẫn vào đới sống kết hợp với Thiên Chúa và dẫn đưa tới sự hiệp thông với Hội Thánh. Đồng thời Bí tích này cũng là điều kiện cần để được vào Nước Thiên Chúa. Hành trình Đức Tin của người tín hữu luôn đòi hỏi chúng ta trở về với Bí tích đầu tiên này và sống Bí tích này một cách sinh động hiệu quả.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay quả là một cảnh tỉnh giúp con nghĩ lại. Xin Chúa giúp con ăn năn và quyết tâm trở về sống với Chúa. Trong những ngày trọng đại này, con đã được tái sinh trong Máu Chúa và được đón nhận sự sống lại của Chúa. Xin cho sự sống siêu nhiên của bí tích Rửa Tội được lớn mãi trong con. Con nguyện sẽ cố gắng bắt đầu một đời sống mới. Xin cho con được sống lại với Chúa.  

Lẽ sống:
Emmaus

Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là : "Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...". Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!
Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét