Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Lời Chúa: Thứ Bảy Tuần Thánh. 04.04.2015

PHÚC ÂM:   Mc 16, 1-8
"Đức Giêsu Nadarét chịu đóng đinh, đã sống lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
1 Vừa hết ngày sabát, bà Maria Mácđala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu. 2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
3 Các bà bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?" 4 Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. 5 Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. 6 Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! 7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông." 8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

Suy niệm:
 Kính Mừng Chúa Phục Sinh

Đấng Cứu Độ đã chịu khổ hình thập giá và được mai táng trong mồ, để từ cõi chết sống lại và giải thoát loài người khỏi chết.
Nếu có ai hỏi Thiên Chúa là Ðấng nào? Người ta sẽ được nghe những câu trả lời khác nhau chẳng hạn như: Thiên Chúa là Ðấng tạo thành trời đất, loài người và muôn vật; Thiên Chúa là Ðấng điều hành vũ trụ và vận mạng con người cũng như loài vật; Thiên Chúa là Ðấng quan phòng đời sống loài người và thưỏng phạt người lành người dữ. Và đó cũng là quan niệm chung của dân Việt Nam về ông Trời. Và người công giáo gọi ông Trời là Thiên Chúa. Quan niệm chung của dân Việt về ông Trời còn lưu hành câu ca dao: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp. Có nơi đọc câu cuối là: lấy con tôm to. Ông Trời đó của dân gian Việt Nam cũng là Thiên Chúa của người công giáo.
Có điều khác biệt là người công giáo biết nhiều về Thiên Chúa mà họ tôn thờ, nhờ việc Thiên Chúa mạc khải cho loài người qua các tổ phụ, các ngôn sứ trong Thánh kinh. Và sau cùng chính con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu nhân loại đã dậy bảo cho các môn đệ. Vì tổ phụ loài người bất phục tùng Thiên Chúa, nên tội lỗi đã lọt vào thế gian mà nhân loại hậu sinh phải gánh chịu hậu quả. Ðể cứu chuộc loài người, Thiên Chúa sai Con Một Người xuống thế làm người, sinh bởi Ðức nữ đồng trinh, được đặt tên là Giêsu để cứu nhân độ thế. Ðức Giêsu được xức dầu tấn phong là Ðấng Kitô, đi giảng đạo ba năm về nước Thiên Chúa, về giáo lí yêu thương, tha thứ, sống vị tha, bác ái của đạo Chúa. Người dùng quyền năng Thiên Chúa làm nhiều phép lạ như là cho người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người què được lành mạnh, cho người đói ăn, khát uống để người ta tin tưởng. Không chấp nhận đường lối và giáo lí của Chúa, những nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời đã bách hại, đóng đinh và lên án tử hình cho Người. Và ngày thứ ba Người đã sống lại như chính Người đã tiên báo (Mt 16:21; Mt 17:23; Mt 20:19; Mc 8:31; Mc 9:31; Mc 10:34; Lc 9:22; Lc 18:33; Ga 2:19).
Ðể xây dựng nước Chúa ở trần gian, Chúa chọn mười hai tông đồ và sai họ đi rao giảng tin mừng cứu độ và làm chứng cho việc Chúa phục sinh bằng chính cái chết của họ. Những ai định nghĩa Thiên Chúa thế nào thì cứ việc định nghĩa. Thánh Gioan, không cần dài dòng văn tự, chỉ định nghĩa một cách vắn tắt mà đầy đủ ý nghĩa: Thiên Chúa = tình yêu (1Ga 4:8). Thật vậy vì yêu, Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những công trình trên đây.
Hôm nay người tín hữu mừng việc Chúa cứu thế sống lại. Qua việc chết đi cho tội lỗi trong mùa Chay, người tin hữu được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa phục sinh. Hôm nay ta cũng mừng các anh chị em tân tòng được sống lại về phần hồn trong Bí tích Rửa tội.

Sống Lời Chúa:
Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”.
Sống hiền lành và bác ái là dấu chỉ tôi đã sống lại trong con người mới với Chúa Ki-tô phục sinh.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Kitô! Chúa đã sống lại khải hoàn, xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn.

Lẽ sống:
Ðánh nhau bằng gậy gộc

Họa sĩ Goya, người Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 19, đã để lại một loạt những bức tranh mô tả thân phận con người thật ý nghĩa. Một trong họa phẩm mà ông đã thực hiện trong thời nội chiến của người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 mang tựa đề: "Ðánh nhau bằng gậy gộc".
Trong bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân xô xát nhau. Mỗi người cầm trong tay một chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ chiếc dùi cui để bảo vệ mặt mình. Nền trời không để lộ một nét nổi bật nào. Người ta không đoán được trời sắp giông bão hay sắp sáng rỡ.
Thoạt nhìn qua cũng nghĩ đây chỉ là một bức tranh tầm thường như những bức tranh khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: đó là hai người nông dân đang hầm hầm sát khí để loại trừ nhau này lại mắc cạn trong cồn cát. Từng cơn gió thổi, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối.
Goya muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết vì những cú dùi cui giáng trên nhau cho bằng chính cát bụi đang từ từ chôn vùi họ.Thế nhưng thay vì giúp nhau để ra khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào thú dữ: họ cắn xé nhau. Họa phẩm "Ðánh nhau bằng gậy gộc" trên đây của danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải qua.Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, con người lại giành giật chém giết lẫn nhau.
Bức tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở quy mô thế giới, một nơi nào đó ngoài cuộc sống của chúng ta, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của chúng ta với những người xung quanh. Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta.
Bức tranh của họa sĩ Goya cũng chính là bức tranh của thân phận con người chúng ta. Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, thay vì liên đới để bảo vệ nhau, người ta vẫn có thể đâm chém lẫn nhau.
Một nhạc sĩ nào đó đã có lý để tra vấn chúng ta: giết người đi thì ta ở với ai? Một trong những phương thế tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở thành một người bạn.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc: nếu có ai vả má bên phải của ngươi, hãy chìa luôn cả má còn lại... Trong những giờ phút cuối đời, khi đứng giữa những người đang đằng đằng sát khí muốn hủy diệt mình, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét