Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Lời Chúa: Thứ Ba tuần II Mùa Vọng năm B. 09.12.2014

Thánh Gio-an Đi-đa-cô Câu-la-tô-a-din
PHÚC ÂM:   Mt 18,12-14
“Thiên Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư vong.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Suy niệm

Con người thường có khuynh hướng yêu những người đáng yêu và loại bỏ những người đáng ghét; nhưng nếu con người cứ theo khuynh hướng này, thì chẳng mấy chốc con người sẽ hết người để yêu, vì người nào cũng là tập hợp của cả cái đáng yêu và cái đáng ghét. Một tình yêu chân thật đòi mọi người phải biết yêu thương tha thứ cho tha nhân như Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con người. Các Bài đọc hôm nay đều xoay quanh chủ đề yêu thương và tha thứ. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaia ví Thiên Chúa như Mục Tử: Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho khán giả: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” Một con chiên lạc có thể không gây sự quan tâm cho con người, nhưng là một quan tâm cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Mục Tử Tốt Lành, Ngài xuống trần để tìm những chiên lạc về cho Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa:
Cách tốt nhất để dễ tha thứ cho tha nhân là năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải. Mỗi khi xét mình trước khi xưng tội, chúng ta nhận ra rất nhiều cái đáng ghét nơi con người của mình. Điều này làm chúng ta nhìn lỗi lầm của tha nhân với lòng bao dung hơn, vì họ cũng yếu đuối tội lỗi như mình. Người không năng xét mình xưng tội rất dễ kết án tha nhân, vì họ tưởng mình không có tội.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa gìn giữ mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn được sống gần Chúa, bên cộng đoàn dân Chúa để chúng con vui hưởng mọi ơn lành của Chúa.

Lẽ sống:
Thế nào là cầu nguyện?

Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.
Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".
Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi". "Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".
Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.
Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.
Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.
Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét