Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Vọng năm B. 14.12.2014

PHÚC ÂM:   Ga 1,6-8.19-28
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông : “Ông là ai ?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng : “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông : “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?” Ông nói : “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?” Ông đáp : “Không.” 22 Họ liền nói với ông : “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?” 23 Ông nói : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông : “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” 26 Ông Gio-an trả lời : “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
Suy niệm
Niềm vui sống đạo

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều chung một ý tưởng chính là diễn tả niềm vui của những ai tin vào Chúa. Niềm vui ấy lan tỏa trọn vẹn cuộc sống con người, đồng thời là động lực và sức mạnh giúp cho họ vươn lên giữa bao sóng gió của cuộc sống trần gian. Thật là sai lầm khi chỉ trình bày Chúa Giêsu trên thập giá mà không hướng tới ngày Người Phục sinh. Quả là thiếu sót khi chỉ nghĩ đến Hài nhi Giêsu như một con người mà quên rằng Người chính là Thiên Chúa nhập thể. Như thế, màu tím của lễ phục Mùa Vọng không phải là màu của tang tóc u buồn, nhưng là màu của hy vọng cậy trông. Những bài Thánh ca của Mùa Vọng không phải là những tiếng rên rỉ não nề, nhưng là những ước vọng hướng về tương lai. Tương lai ấy đã được thực hiện ngày hôm nay, giữa chúng ta. Bởi lẽ Thiên Chúa đã làm người và ở với chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” công bố ngày 24-11-2013, đã mời gọi các tín hữu tái khám phá ra niềm vui mà đức tin vào Thiên Chúa đem lại cho mình.
Ơn gọi của người tín hữu trước hết đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vì có Chúa hiện diện trong đời. Hãy đọc lại bài ca của Đức Maria được chọn làm bài Đáp ca của Phụng vụ hôm nay để cùng với Đức Mẹ cảm nghiệm sự hiện diện kỳ diệu của Chúa và tình thương Ngài dành cho mỗi người. Thiên Chúa ở gần chúng ta mọi nơi mọi lúc. Ngài luôn lắng nghe những tâm tư, đáp trả mọi ước nguyện, đỡ nâng những yếu đuối, khiển trách những lỗi lầm. Nhiều tín hữu không ý thức được niềm vui cao cả này, nên đã sống như thể  không có Chúa, bất chấp tiếng nói của lương tâm và quy luật của đạo lý làm người. Khi xác tín Chúa hiện diện trong đời, chúng ta không còn dám dối trá. Khi chắc chắn rằng Chúa biết mọi sự, chúng ta sẽ cố gắng để sống ngay thẳng và chân thành hơn.
Ơn gọi của người tín hữu đem lại cho chúng ta niềm vui vì chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Sự giáng sinh của Đức Giêsu là niềm vui cho cả nhân loại, đồng thời đem lại cho cuộc sống con người một ý nghĩa mới: họ không chỉ là những hạt bụi hóa kiếp làm người, nhưng là những nghĩa tử của Thiên Chúa. Họ cũng được kêu gọi cố gắng mỗi ngày để nên thánh, giống như Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện. Tước hiệu “con Thiên Chúa” thực sự chỉ được dành cho Ngôi Hai. Nhưng nhờ việc Ngôi Hai nhập thể mang lấy thân phận con người mà chúng ta, những con người yếu đuổi mỏng giòn, được mang lấy tước hiệu cao cả ấy. Chính khi đón tiếp Ngôi Lời nhập thể mà chúng ta được trở nên con Thiên Chúa (x. Ga 1,12). Ý thức mình là con Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta sống thân tình với Ngài, như con cái đối với cha mẹ mình. Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc mỗi ngày nhắc cho chúng ta vinh dự cao cả này.
Ơn gọi của người tín hữu đem lại cho chúng ta niềm vui vì chúng ta có mọi người là anh chị em với nhau và là con của cùng một Cha trên trời. Tình huynh đệ mà chúng ta được kêu gọi thực hiện không chỉ dựa trên mối liên hệ sắc tộc, đồng bào, nhưng dựa trên nền tảng là chính Thiên Chúa. Ý thức mọi người là anh chị em sẽ giúp chúng ta sống thân thiện và nhân ái với nhau hơn. Những xung đột, bạo lực, tội ác đang diễn ra hằng ngày đều có nguyên nhân là thiếu ý thức về tình huynh đệ dựa trên nền tảng đức tin.
Ơn gọi của người tín hữu đem lại cho chúng ta niềm phấn khởi vì biết rằng mình được Chúa tin tưởng sai đi vào lòng cuộc đời để gieo mầm tin yêu. “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Bài đọc I). Vâng, chính Chúa sai chúng ta vào lòng cuộc đời để góp phần Phúc Âm hóa xã hội.
Một lần nữa, trong Chúa nhật thứ ba của Mùa Vọng này, Lời Chúa lại nhắc đến nhân vật Gioan Tẩy giả với lời mời gọi khiêm nhường sám hối. Lời mời gọi của Gioan tẩy giả cũng đang được nhắn gửi đến với mỗi người chúng ta, nhờ đó chúng ta được hưởng niềm vui trọn vẹn. Nhân vật Gioan Tẩy giả cũng nhắc nhớ chúng ta, mỗi người hãy ra đi loan báo niềm vui mà mình đã cảm nhận khi thực hành chân lý đức tin. Biết bao người quanh ta chưa được một lần nghe nói về Chúa. Họ đang ao ước được gặp gỡ Ngài. Các tín hữu được sai lên đường đến với họ, mang cho họ tình thương, niềm vui, sự tha thứ, sự đỡ nâng và giải thoát. Niềm vui Giáng Sinh phải được loan báo cho mọi người, vì đó là niềm vui cho cả toàn dân. Chân lý cứu độ phải được trình bày cho thế giới, vì Thiên Chúa muốn cứu vớt muôn loài. Chúng ta không chỉ giữ niềm vui Giáng Sinh cho riêng mình, nhưng mỗi tín hữu phải là người tiếp nối sứ mạng đem tin vui ấy cho những người xung quanh. Lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiêng liêng, nếu mỗi chúng ta biết sống và loan báo sứ điệp hân hoan vui mừng ấy.
Giáng sinh về mỗi năm, nhưng chưa chắc chúng ta đã thực sự đón Chúa trong cuộc đời. Mỗi mùa vọng đến đều đặn, nhưng chưa hẳn tâm hồn chúng ta đã được canh tân. Bởi lẽ đón Chúa đến không phải chỉ là những ánh đèn rực rỡ lung linh, những tà áo sặc sỡ muôn màu. Đón Chúa đến đòi hỏi chúng ta phải có một tấm lòng ngay thẳng và chân thành. Khi thực sự thành tâm đón Chúa, hoa sẽ nở trong sa mạc, niềm vui sẽ tràn ngập cuộc đời, tình thương sẽ ngự trị, công chính sẽ lên ngôi.
Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng 

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời rao giảng và bằng gương sáng đời sống chúng con. Xin cho chúng con biết sống khiêm nhường: không hiếu danh cũng chẳng ganh tị, không cao ngạo cũng chẳng cậy uy. Nếu có khi nào thành công việc gì xin cho chúng con biết hướng vinh dự về cho Chúa, để qua đó, người ta nhận biết Chúa là Ðấng quyền năng và yêu thương con người.

Lẽ sống:
Cánh tay của người ganh tị và tham lam

Câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.
Ðể chữa trị những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.
Cả hai viên sĩ quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi... Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh tay...". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.
Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét