Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Lời Chúa: thứ Bảy XX Thường Niên Năm A. 23.8.2014

PHÚC ÂM:   Mt 23, 1-12
"Họ nói mà không làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Suy niệm
Các Bài đọc hôm nay lại một lần nữa dạy con người những nguyên tắc căn bản trên. Trong bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel nhắc nhở cho con cái Israel sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ, để họ đừng làm cho Đền Thờ ra ô uế như vua chúa và các tiền nhân của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên dân chúng chú trọng đến đạo lý các kinh sư và biệt phái dạy họ; nhưng đừng làm những gì họ làm, vì họ không thực hành những điều họ dạy.
Phần đầu của bài Tin Mừng cho thấy sự giả hình của một số người pharisêu, có quyền giảng dạy Lề Luật. Giả hình là không làm điều mình dạy người khác, là dễ dãi với chính mình, nhưng khắt khe với tha nhân. Giả hình là biến việc thờ phượng Chúa thành thờ mình, làm việc tốt để người ta thấy và thán phục.
Khi nhìn khuôn mặt của người pharisêu giả hình, tôi thấy tôi: háo danh, khoa trương, ích kỷ,
dám “đốc” chứ không dám làm...
Nửa sau của bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc. Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy, vì chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo là chính Ngài; cũng đừng gọi ai là cha, vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời.
Vậy mà chúng ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh là cha, là Ðức Thánh Cha, là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ... Chúng ta có làm sai lời Chúa dạy không? Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Ðức Giêsu không?
Đức Giêsu nêu hai khuôn mặt người sống Đạo dựa vào Luật Môsê :
ü Ký lục : Là người sao chép và dạy Luật Môsê,dưới mắt người Do Thái,họ là thầy dạy chính thức hay là giáo lý viên rất mẫu mực.
ü Biệt phái : Đây là loại người cuồng nhiệt giữ luật Môsê. Họ giữ cặn kẻ từng chi tiết của Luật, bởi đó họ rất tự mãn là người công chính, hay lên mặt khinh dể người khác (x Lc 18,9). 
Hai loại người trên thường khoe khoang cách sống Đạo của họ:
ü Họ đeo thủ phù (x Mt 23,5b) : Theo Luật Môsê trong sách Xh 13,9 ; Dnl 6,8, buộc mọi người vào giờ cầu nguyện phải đeo thủ phù trên trán, cột nơi cổ tay, và đọc : “Lạy Chúa, Vua hoàn vũ, chúc tụng Ngài đã thánh hóa chúng con bằng huấn lệnh Ngài, và đã truyền cho chúng con mang lấy thủ phù này”.
ü May dài tua áo  (x Mt 23,5c) : Đó là một chùm lông bằng len hay lụa có nhiều màu sắc, đính vào bốn góc tấm vải làm áo choàng của người Do Thái, mục đích nhắc nhở họ thường xuyên nhớ đến Luật Chúa và đem ra thực hành (x Ds 15,37-39). Chính áo choàng của Đức Giêsu cũng đính chùm lông này (x Lc 8,44).
ü Biệt phái tìm chỗ nhất trong tiệc tùng và chỗ danh dự nhất nơi hội đường (x Mt 23,6). Chỗ nhất nơi hội đường là chỗ quay mặt vào dân, xây lưng lại tráp Lề Luật (tráp Lề Luật đặt giữa chính diện hội đường, tượng trưng cho nơi cung thánh của Đền Thờ Giêrusalem có đặt hai bia đá ghi Mười Giới Răn Chúa). Như thế, họ muốn mọi người phải tôn trọng danh dự của họ như tôn trọng Luật Chúa.
ü Những người Biệt phái ưa được mọi người bái chào nơi công trường và được người ta xưng hô là Rabbi (x Mt 23,7). Danh hiệu Rabbi bởi tiếng Hy Bá là “Rab” có nghĩa là “Lớn”, thời Đức Giêsu lại có nghĩa là “Chúa”. Người ta thường thêm một tiếp vĩ ngữ của ngôi thứ nhất thành “Rabbi”, có nghĩa là “Chúa tôi”. Khi nói cách long trọng, người ta gọi là “Rabbuni” (x Ga 20,16), cũng có nghĩa như chữ Rabbi, đây là danh tương đương với chức Tiến sĩ. Như muốn mọi người phải kính trọng họ như Thiên Chúa.
Hãy trở nên chứng nhân. Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân" (Thông điệp "Evangelii Nuntiandi" số 41). Còn thánh Augustinô thì nói: "Chúng ta là tiếng, Đức Giêsu là Lời, là nội dung của tiếng, của âm thanh".
Như vậy, người rao giảng Lời Chúa, phải là người trung thành. Trung thành với Lời Chúa và sứ điệp của Ngài. Trung thành với sứ vụ qua lời loan báo. Trung thành với nội dung Tin Mừng. Không thể chấp nhận người tông đồ ra đi loan báo Lời Chân Lý, mà họ lại thuộc về thành phần: "ngôn hành bất nhất", tức là không thật, hai lòng, nói một đàng, làm một nẻo.
Sự giả tạo này được Đức Giêsu cho thấy qua hình ảnh những người Pharisêu: "Họ là những người nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào"; mặt khác, họ còn là những người thích sống hình thức đến độ: "Nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là 'Thầy'. Đức Giêsu không muốn để các môn đệ của mình rơi vào tình trạng như vậy, nên Ngài quay sang các ông và nói: "Phần các con thì không được vậy...".
Vì thế, người tông đồ phải là người: "nhất ngôn, nhất hành", nếu không, thay vì làm chứng, chúng ta lại rơi vào tình trạng phản chứng.
Thoạt nghe, chúng ta có thể dè lưỡi, bữu môi khinh chê những người kinh sư và Pharisêu! Nhưng thực ra, nếu lắng đọng lại một chút thì hẳn lời trách móc của Đức Giêsu khi xưa lại là lời cảnh tỉnh cho chính chúng ta hôm nay.
Thật vậy, đã biết bao lần chúng ta sống trong cung cách của những kẻ bất nhân. Không khoan nhượng. Không cảm thông. Sống lối sống xa hoa, hình thức, kỳ thị, ích kỷ, kiêu căng, trác táng, ngông nghênh, ngạo nghễ và xét đoán...
Những lúc như thế, ấy là lúc nhãn hiệu Pharisêu, vẫn lủng lẳng quanh cổ chúng ta! Và như một hệ lụy, chúng ta nói về Chúa là đấng nhân từ, hiền hậu, khiêm nhường và yêu thương làm sao khi hình ảnh của Ngài đang méo mó nơi hành động xấu xa, lời nói chua chát, lối sống buông thả... của ta! Như vậy, chúng ta trở thành những người đang phá hoại sứ điệp yêu thương của Chúa.
Sống Lời Chúa:
+ Luật sĩ và Biệt phái bám vào luật Môsê tự tôn mình lên, không cần tin vào Chúa Giêsu, thì sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, tức là không cậy dựa vào sức mình, cũng không chỉ giữ Lề Luật, mà trông cậy được kết hợp với Chúa Giêsu, thì sẽ được tôn lên.
+ Lời Chúa hôm nay nhắn gửi chúng ta cần phải tránh những thứ xa hoa, diêm dúa bên ngoài. Hãy tập trung vào cốt lõi của Tin Mừng là yêu thương, chứ đừng giả dối như những kinh sư và người Pharisêu khi xưa.
+ Chúa luôn đòi con người chú trọng đến đời sống tinh thần bên trong hơn là những nghi thức hoành tráng bên ngòai; đến mối liên hệ sâu đậm với Thiên Chúa và giữ các điều răn của Ngài hơn là những danh xưng hào nhoáng và giữ các tập tục của con người.
+ Đền thờ hay thánh đường là nơi Thiên Chúa ngự; mỗi khi đến những nơi đó chúng ta cần có thái độ cung kính và khiêm nhường để học hỏi và cầu nguyện với Chúa. Đó không phải là nơi phô trương các việc đạo đức hay tài năng cho người khác nhìn thấy để bái phục và khen thưởng; càng không phải là nơi để trình diễn thân thể hay thời trang làm chia trí người khác.
+ Thân xác con người là đền thờ của Thiên Chúa, chúng ta cần phải chú trọng đến sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn và biết quí những nét đẹp và giá trị bên trong thay vì những hào nhoáng và các giá trị bên ngoài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, nhiều khi con tìm mọi cách để uốn nắn ý của Chúa theo ý con. Nhiều khi con tìm vinh dự và muốn được trọng vọng bản thân thay vì làm vinh danh Chúa. Những lúc đó, con đã đi sai đường, trệch lối theo tinh thần của Chúa, xin Chúa tha thứ tội lỗi cho con, xin giúp con biết đối xử với mọi người trong khiêm tốn hiền hòa.

Lẽ sống:
Hoa đầu mùa của Châu Mỹ

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Rosa Lima, vị thánh đầu tiên của Châu Mỹ. Thánh nữ có hai đặc điểm mà dường như vị thánh nào cũng có, đó là: bị chống đối và sống khắc khổ.

Chọn thánh nữ Catarina Siena làm mẫu mực, Rosa quyết sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Sợ nhan sắc của mình có thể quyến rũ nhiều người cũng như làm cớ vấp phạm cho chính mình, Rosa đã lấy tiêu thoa lên mặt để biến mình thành một người xấu xí. Cô cũng lấy thép cuốn thành vòng gai nhọn đội trên đầu.

Nhưng Rosa không phải là một con người mơ mộng viển vông. Khi thấy gia đình gặp khó khăn về kinh tế, Rosa đã hy sinh làm lụng suốt ngày ngoài đồng và tối về may vá suốt đêm để kiếm tiền đắp đổi cho gia đình. Sống cho cha mẹ, lo cho gia đình, nhưng Rosa vẫn quyết tâm dâng hiến trọn đời cho Chúa. 
    Cô đã mất mười năm để chống lại ý định của cha mẹ nhằm cưỡng bách cô phải lập gia đình. Và cuối cùng, vì cha mẹ cũng không chấp nhận cho cô vào dòng, Rosa đã gia nhập vào dòng ba thánh Ða Minh. Như thế cô vừa sống được lý tưởng tu dòng vừa sống thánh giữa đời.
     Trong những năm cuối đời, Rosa dành một phòng trong nhà để đón tiếp trẻ em không nhà không cửa và những người già cả bệnh tật. Ðây là một trong những hình thức hoạt động xã hội đầu tiên tại Pêru.

Rosa qua đời năm 31 tuổi. Cả thành phố Lima thương khóc cô như một vị thánh trẻ đã kết hợp tinh thần chiêm niệm, khổ chế với hoạt động bác ái.

Thánh Rosa kể lại rằng trong một giấc mơ, ngài được Chúa dẫn đến một xưởng điêu khắc dành cho những người muốn nên thánh. Thánh nhân chứng kiến cảnh không biết bao nhiêu người đang ngồi trước các khối đá cẩm thạch. Có người sắp hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật. Có người chỉ mới bắt đầu đục đẽo trên một phiến đá sần sù, cứng nhắc. Thánh nữ cũng được Chúa trao cho những đồ nghề cần thiết và đặt ngồi trước một phiến đá lớn. Người mẫu của tác phẩm chính là hình ảnh mà Thiên Chúa đã đặt để từ đời đời trong thánh nữ.
Mỗi ngày chúng ta kính nhớ một vị thánh. Mỗi một vị thánh là một nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta. Không một vị thánh nào giống vị thánh nào. Không ai bắt buộc phải sống khuôn dập theo bất cứ một mẫu mực nào. Mỗi người là một vị thánh cá biệt. Nhưng tất cả đều có một mẫu số chung: đó là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.
Và hình ảnh mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta họa lại trong cuộc đời của chính mình là Ðức Giêsu Kitô. Nhưng người Kitô không chỉ sống như Ðức Kitô, mà còn sống bằng chính Ðức Kitô. Họa lại Ðức Kitô cũng có nghĩa là để cho Ðức Kitô uốn nắn, tạc vẽ cho đến khi nào chúng ta đạt được tầm mức của Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét