Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Lời Chúa: Chúa Nhật XIX TN - năm A. 10.8.2014

PHÚC ÂM:   Mt 14, 22-33
"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
      Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
     Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".
Suy niệm
Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều như Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước tường thuật, Chúa Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia Biển Hồ. Còn Ngài thì ở lại giải tán dân chúng, rồi sau đó lên núi cầu nguyện một mình. Giữa đêm, con thuyền các môn đệ gặp sóng to bão lớn, các ông vô cùng sợ hãi.
Chính lúc đó Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các ông. Ban đầu các ông tưởng là ma nên càng sợ hơn nữa. Nhưng khi đã nhận biết đó là Thầy mình thì các ông bình an trở lại và tuyên xưng “Thật Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14,33).
Câu chuyện là như thế nhưng chúng ta có rút ra được một bài học nào không? Một bài học rất cụ thể, rất cần cho chúng ta nhất là trong cuộc sống hôm nay.
·        Đừng sợ !
Một câu chuyện kể rằng, trên một chuyến tàu biển chở khách vượt đại dương, bỗng nhiên bão táp nổi lên dữ dội, biển gầm sóng vỗ. Mọi người đều lo sợ vì cảm thấy cái chết cận kề. Họ hoảng loạn, hoang mang lo chuẩn bị cho mình phao cứu hộ. Lúc đó, họ thấy một em bé vẫn bình thản với mấy thứ đồ chơi trẻ em của mình. Một hành khách hỏi: “Cháu có sợ tàu chìm không?”. “Không!” – em bé trả lời. “Tại sao cháu không sợ?” – “Vì biết bố cháu là người lái tàu rất tài ba, nên chắc chắn tàu sẽ đến bến an toàn!”.
Sau một loạt những tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, nhiều người sợ không dám đi máy bay nữa. Nỗi sợ hãi không chỉ trong lãnh vực giao thông, mà có thể nói, nó bao trùm cuộc sống. Cái chết rình rập nơi cửa ngõ, thậm chí trên chính bàn ăn hàng ngày. Người ta sợ hãi trước hiện tượng thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm, tai nạn giao thông. Trong cuộc sống chao đảo và đầy dối trá này, con người có nguy cơ mất định hướng và mất hy vọng.
Thánh Mátthêu ghi lại việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ. Việc Chúa đi trên mặt nước thì chẳng có gì phải bàn, vì Chúa là Thiên Chúa quyền năng. Điều gây sự chú ý là ở chỗ chính Phêrô cũng đi trên mặt nước được. Tuy vậy, ông chỉ đi được trên mặt nước khi ông làm theo lệnh Chúa và khi ông xác tín vào Chúa. Liền sau đó, khi ông lo sợ sóng gió bão táp thì ông bị chìm xuống nước. Bài học rút ra ở đây là khi chúng ta cậy tin vào Chúa thì có thể làm được mọi sự. Nói cách khác, nhờ quyền năng và ân sủng của Chúa thì mọi sự trở nên dễ dàng, còn nếu cậy dựa vào khả năng cá nhân của mình, hoặc nghi ngờ quyền năng của Chúa thì một việc tuy  đơn giản cũng không thể thực hiện được. Lời quở trách của Chúa đối với ông Phêrô đã chứng minh điều đó.
Đối diện với biết bao nỗi sợ trong cuộc đời, nếu chúng ta tin rằng Chúa là Đấng điều khiển mọi sự, như em bé biết chắc cha mình là một người lái tàu tài ba, thì chúng ta chẳng còn gì mà sợ hãi.
Thầy đây, đừng sợ!”. Lời trấn an của Chúa làm cho các ông an lòng. Ngày hôm nay, giữa đại dương mênh mông của cuộc đời, Chúa Giêsu cũng đang nói với chúng ta những điều ấy. Lời Chúa đem lại cho chúng ta sự bình an của tâm hồn, đồng thời vững bước đi trong cuộc sống. Chúa đang đi trên mặt “biển đời” để đến với chúng ta. Một khi có Chúa, chúng ta không còn sợ hãi và lo lắng. Một khi có Chúa, chúng ta cũng không làm điều gì gây sợ hãi và lo lắng cho anh chị em chúng ta. Tin vào Chúa không chỉ giúp chúng ta tìm thấy sự bình an, mà chúng ta được hướng dẫn bởi Đức tin để sống với một lương tâm công bằng, ngay thẳng, tôn trọng phẩm giá và ích lợi của những người xung quanh. Như thế, người nông dân tin Chúa sẽ làm ăn lương thiện trong lãnh vực nông nghiệp, người công nhân tin Chúa sẽ ngay thẳng trong các sản phẩm mình làm ra, người lãnh đạo ở bất cứ cấp nào, nếu tin Chúa sẽ không lợi dụng quyền chức mà làm lợi cho riêng mình.
Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta. Khi nhìn thấy Chúa đi trên mặt biển vào lúc đêm tối, các môn đệ quá khiếp đảm tưởng Người là ma. Vâng, trong đời sống Đức tin, vì kém hiểu biết, có những lúc chúng ta xây dựng hình ảnh Thiên Chúa giống như một bóng ma trong cuộc đời. Bóng ma làm người ta khiếp sợ trong chốc lát, nhưng khi nỗi sợ ấy qua rồi, thì đâu lại hoàn đấy. Những ai tin Chúa như là những bóng ma, thì nơi họ không có Đức tin đích thực. Đức Giêsu đến trần gian để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương chăm sóc chúng ta. Sợ hãi, bi quan, khiếp đảm đối với Chúa chỉ làm biến dạng hình ảnh đích thực về Ngài. Trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxincô đã cảnh báo một lối trình bày Thiên Chúa nghiêm khắc, với nỗi sợ hãi ám ảnh, làm cho con người thay vì mến Chúa lại khiếp đảm và run sợ khi đến với Ngài.
Có nhiều người nhân danh Thiên Chúa mà dùng vũ lực để khủng bố anh chị em mình. Tác giả sách Các Vua (Bài đọc I), chứng minh với chúng ta, Thiên Chúa hiện diện trong sự bình an. Khi con người sống hài hòa với mọi loài thọ tạo và hài hòa với nhau thì Thiên Chúa hiện diện giữa họ để chúc lành. Con người luôn kiếm tìm Thiên Chúa và họ tưởng Ngài hiện diện trong những biến động của thiên nhiên hay giữa những ồn ào của phố chợ. Tuy vậy, giữa những ồn ào bon chen của chợ đời, người ta không thể gặp Thiên Chúa.
Trình thuật của Mátthêu cho thấy lòng tin của ông Phêrô các môn đệ đã được phục hồi sau khi Chúa nắm lấy tay Phêrô để kéo ông lên. Các ông bái lạy Người và thốt lên: “Quả thật Người là Con Thiên Chúa”. Các ông đã mạnh mẽ tuyên xưng Đức tin và đẩy lui nỗi sợ hãi.
Giữa cuộc đời bấp bênh và đầy nguy cơ này, chúng ta hãy đến với Chúa, xin Người kéo chúng ta lên khỏi nỗi sợ hãi trước những hiểm nguy đang rình rập chúng ta. Có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ vui tươi và an bình.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
·        Một điểm tựa duy nhất trên cõi đời
Đang chèo thuyền giữa khơi trong bóng đêm dày đặc, các môn đệ bỗng phát hiện một bóng ma chập chờn trên sóng nước. Mọi người hốt hoảng la lên. Nào ngờ đó lại là Chúa Giêsu. Ngài trấn an họ: "Chính Thầy đây! Đừng sợ!". Biết vậy, Phêrô hăm hở đòi đi trên nước như Thầy: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài thì xin truyền cho con đi trên mặt nước và đến cùng Ngài".
Được Chúa chấp thuận, Phêrô bước ra khỏi thuyền, bước chân chao đảo trên sóng nước như người say. Thế rồi một cơn gió mạnh thổi đến, nước xô ập vào người làm Phêrô chới với. Ông hoảng hốt la lên: "Lạy Thầy, xin mau cứu con!".
Lập tức, Chúa Giêsu nắm lấy tay Phêrô, kéo ông lên rồi đưa ông vào thuyền bình an vô sự.
Sống trên đời nầy, chúng ta cũng như Phêrô đi trên mặt biển. Mọi sự chung quanh đều chao đảo, bấp bênh, hỗn độn. Mới đây còn đang vui đùa, nhảy múa reo cười đùng một cái, bỗng hoá ra người thiên cổ! Mạng người quá đỗi mong manh. Kiếp người như ngọn đèn lung linh trước gió, như một giấc chiêm bao!
Cuộc đời đầy dẫy tai ương
Những thiên tai xảy ra dồn dập khắp nơi trên thế giới: bão tố, lũ lụt, động đất, sóng thần, lốc xoáy... đã gây ra tổn thất khủng khiếp về nhân mạng cũng như về tài sản.
Bên cạnh đó, những tai hoạ do con người gây ra cũng khủng khiếp và tàn bạo không kém: chiến tranh, bạo lực, khủng bố, đàn áp, bóc lột, bệnh tật, đói nghèo...
Trước những tai ương hoạn nạn đó, con người biết tìm đâu nơi nương tựa vững bền? Biết bám víu vào ai để bảo toàn mạng sống? Biết dựa vào sức mạnh nào để đương đầu?
Chẳng có chi vững bền
Trên cõi đời nầy, tìm đâu ra một điểm tựa vững bền?
Tựa vào tiền của ư? Tiền của không mua được sức khoẻ và sự sống. Những tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không thoát khỏi bệnh tật và chết chóc.
Tựa vào địa vị, chức quyền ư? Những tổng thống, vua chúa quyền lực nhất thế gian cũng chỉ được ngồi trên ngai trong thời hạn ngắn rồi bị truất phế và tất cả không trừ ai đã vùi thây dưới mộ.
Chẳng có gì kiên cố
Toà tháp đôi ở Newyork cao đến 110 tầng (417- 425 mét) đứng uy nghi sừng sững giữa trời, vượt hẳn lên các công trình kiến trúc hoành tráng chung quanh, ngạo nghễ thách thức với cả những cơn địa chấn mạnh nhất, nằm ở trung tâm một đất nước phồn vinh và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng có ai ngờ: nó đã bị tấn công, bị bốc cháy ngùn ngụt và sụp đổ tan tành trước sự kinh hoàng của hàng tỉ người trên thế giới, chôn vùi ngót năm ngàn nạn nhân dưới khối bê tông khổng lồ của nó trong một biến cố gây chấn động thế giới vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Mọi thứ đều bấp bênh
Hành trình của con người trên dương gian không khác chi hành trình của Phêrô trên mặt nước; nhìn trước, nhìn sau, nhìn lui, nhìn tới, mọi thứ đều chao đảo, tất cả đều bấp bênh, chẳng có gì vững bền.
"Ôi nhân sinh là thế: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao" (Khuyết danh)
Biết nương tựa vào đâu
Con người không thể dựa vào người khác vì tất cả những người khác cũng đang ở trong tư thế bấp bênh, chao đảo như mình. Một chiếc tàu sắp đắm không thể cứu vớt chiếc tàu khác cũng đang chìm đắm như mình.
Cần phải có một "quyền lực" nào đó ở bên trên, ở một bờ bến vững vàng, mới có thể cứu vớt những ai đang chìm đắm trong biển đời chao đảo.
Hãy nắm lấy bàn tay Chúa Giêsu
Duy chỉ có bàn tay Chúa Giêsu mới có đủ quyền năng cứu vớt mọi người trên dương thế và bàn tay ấy luôn đưa tay ra để nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt bao người.
Bàn tay Chúa Giêsu đã đẩy lùi bệnh tật ra khỏi kiếp người: chạm đến những người phong hủi khiến những người nầy được sạch (Mt 8,3); đặt lên "những người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn và họ được chữa lành" (Lc 4, 40)
Bàn tay Chúa Giêsu trả lại ánh sáng cho người mù tối: chạm đến mắt người mù khiến y được sáng. (Mt 9,29. 20, 34)
Bàn tay Chúa Giêsu đã lôi kéo con người ra khỏi cõi chết: nắm lấy bàn tay bé gái đã chết và trả lại sự sống cho em. (Mt 9,24)
Và cũng chính bàn tay ấy đã đưa ra nắm lấy tay Phêrô đang chới với giữa sóng gió hãi hùng, kéo ông khỏi bị chìm đắm và đưa ông vào trong thuyền bình an vô sự. (Mt 14, 31). 
Lạy Chúa Giêsu,
Chỉ có Chúa và duy chỉ có một mình Chúa mới là điểm tựa duy nhất cho nhân loại đang chơi vơi, chao đảo giữa biển đời tăm tối hãi hùng.
Bàn tay Chúa vẫn đưa ra và sẵn sàng nắm lấy bàn tay yếu đuối của con người đắm chìm giữa biển đời tối đen đầy sóng gió, nhưng tiếc thay, người đời không chịu để cho Chúa nắm lấy tay mình.
Chúa yêu mến con người và sẵn sàng cứu vớt họ, nhưng đồng thời Chúa cũng luôn tôn trọng tự do của họ.
Xin soi sáng cho nhân loại hôm nay khám phá ra bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu đang luôn vươn ra để che chở và cứu vớt mọi người.
Xin cho chúng con được trở thành bàn tay nối dài của Chúa, sẵn sàng đưa ra nắm lấy những bàn tay khác đang gặp sóng gió gian nan.
Lm. Ignatiô Trần Ngà

Sống Lời Chúa:
+  Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Đức tin là tình yêu trong hành động chứ không phải trong cảm giác. Sự vâng phục mau mắn, đơn thành, tối mặt, vui vẻ đối với Thiên Chúa là bằng chứng của Đức Tin.”
+ Có lẽ chúng ta cũng phải xin Chúa một điều như các tông đồ thuở xưa: “Lạy Thầy xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17,5)
+  Thử thách, khổ đau, thất bại không vùi dập nhận chìm Kitô hữu, nhưng cảnh tỉnh, thanh luyện niềm tin.
+ Trong sách Tin Mừng Matthêu, đây là sự tuyên xưng đức tin đầu tiên. Chúng ta phải giữ lại trang Tin Mừng này cho cơn bão tố sắp tới của chúng ta. Phêrô suốt đời sẽ nhớ lại điều này, khi ông sẽ bước vào những cơn giông tố khác trầm trọng hơn ở Rôma vào thời của Vua Nêrôn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin giúp con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những biến cố của đời con. Xin ban ơn giúp sức cho con để con vượt thắng mọi thử thách trên đường đời. Quyền năng và tình thương của Chúa luôn làm cho con vững dạ an tâm (Tv 23,4).

Lẽ sống:
Tài Sản Của Giáo Hội 
Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này...

Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.

Chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.

Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự.

Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi... và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: "Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội".

Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú.
Câu chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô. 

Sống và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh vi.

Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua.

Sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết chí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

Quyết chí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét