Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Lời Chúa: Chúa Nhật XXII TN - năm A. 31.8.2014

PHÚC ÂM:   Mt 16, 21-27
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

21 Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
     24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?
     27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”
Suy niệm
Thập giá và người môn đệ
Thập giá là một dụng cụ hành hình dành cho những người bị lên án tử trong xã hội thời cổ xưa. Kể từ khi Chúa Giê-su chịu khổ nạn và chịu chết, cây thập giá đã mang một ý nghĩa mới. Từ một dụng cụ hành hình, nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Từ một hình ảnh gợi lên sự chết chóc ghê rợn, nó đã trở thành một hình ảnh mang lại nghị lực và niềm tin.
Trong ngôn ngữ đời thường, mỗi khi gặp gian nan đau khổ, chúng ta thường nói: “Chúa gửi thập giá đến cho tôi”. Quan niệm này xem ra không phù hợp với bản chất của Chúa là Đấng tốt lành và là Cha yêu thương. Bởi lẽ chẳng có người cha nào lại tạo ra đau khổ để bắt con cái mình phải chịu. Hơn nữa, trong Phúc Âm, các tác giả nói với chúng ta, chính con người đóng cây thập giá bằng gỗ rồi đặt trên vai Chúa và bắt Chúa vác đi. Cây thập giá gỗ ấy quá nặng, nên Chúa Giê-su bị ngã ba lần. Người cũng không thể vác cây gỗ này tới nơi chịu khổ hình, và quân lính đã bắt ông Si-mon người thành Cy-rê-nê vác đỡ Chúa. Như vậy, hình khổ thập giá là do con người gây nên cho Chúa, và Chúa Giê-su sẵn lòng chấp nhận vì yêu mến con người. Và thế là, trong suốt cuộc sống con người, ở đâu cũng vậy, người ta đang tiếp tục tạo ra những cây thập giá đủ loại và bắt người khác phải vác đi. Cũng có những trường hợp người ta tự tạo thánh giá cho mình, rồi lại hằn học kêu trách Chúa, lại “đổ thừa” cho Chúa và trút hết trách nhiệm cho Ngài. Một người đi xe ngoài đường thiếu cẩn trọng hoặc uống bia rượu rồi gây tai nạn làm chết người, không thể đổ cho Chúa định hoặc bảo rằng đó là Chúa “gửi thập giá”; một người cha suốt ngày cờ bạc rượu chè không quan tâm đến gia đình, làm cho vợ con lâm cảnh đói khổ, không thể chép miệng nói rằng “do Chúa định”.
Chúa Giê-su đã vác thập giá lên đồi Can-vê và chịu đóng đinh trên cây thập giá đó. Con đường thập giá Chúa đã đi qua là con đường của sự nhẫn nhục, hy sinh vì tình yêu nhân loại. Con Thiên Chúa không dùng một phương tiện khác nhẹ nhàng hơn để cứu độ con người, mà lại dùng thập giá với những nhục hình đau khổ, và như thế, những ai muốn đi theo và làm môn đệ của Chúa Giê-su cũng phải đi trên con đường ấy, nhờ đó mà bản thân họ được tinh luyện, đồng thời họ góp phần nâng đỡ anh chị em. Chúa có thập giá của Chúa và mỗi người chúng ta có thập giá của mình. Con người không chào đời bằng nụ cười, nhưng bằng tiếng khóc, và rồi suốt cuộc đời họ là những trăn trở triền miên, những lo toan cuộc sống. Họ luôn phải đối diện với bao khó khăn trong đời. Hành trình của người môn đệ là hành trình thập giá: “Ai muốn theo Thày, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Chúa nhấn mạnh đến “thập giá mình”, có nghĩa là gánh nặng và trách nhiệm cá nhân mà không ai tránh khỏi trong kiếp người.
Thập giá là “định mệnh” chung cho những ai muốn dấn thân phục vụ cho vinh quang của Chúa và hạnh phúc của tha nhân. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a vì trung thành truyền đạt giáo huấn của Chúa mà bị những người đương thời ghen ghét và hành hạ vu khống. Ông đã trở nên trò cười cho thiên hạ. Có những lúc ông chán nản định bỏ công việc Chúa trao, nhưng mỗi khi ông định từ bỏ sứ vụ, thì ông lại thấy đau khổ vô cùng. Nhiệm vụ ngôn sứ như một duyên nợ với ông, rất khó khăn nhưng không dễ chối từ. Gặp nhiều đau khổ và chống đối, ông vẫn say mê Chúa. Dầu có những lúc chán nản, ông vẫn trung thành với Ngài. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a là hình ảnh Đức Giê-su chịu đau khổ (Bài đọc I).
Tuy nhiên, trong quan niệm chung của con người, thật không dễ dàng chấp nhận thập giá. Thánh Phê-rô không thể hiểu và chấp nhận thập giá. Ông đã phản ứng trước lời tiên báo của Chúa về cuộc khổ nạn Người sắp phải chịu. Mặc dầu trước đó, ông vừa tuyên xưng Đức tin vào sứ mạng thiên sai của Chúa, nay thấy Chúa nói về khổ hình, ông vội can: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp chuyện ấy!”. Suy nghĩ của thánh Phê-rô cũng là lối suy nghĩ của khá nhiều người tín hữu chúng ta. Họ chỉ thích tin và theo Chúa để được những điều may mắn. Họ chọn lựa những điều luật mà họ cho là phù hợp và không liên lụy đến quyền lợi cá nhân mình. Khi gặp phải những gian nan, họ “rửa tay” để không dính dáng đến mình.
Có nhiều người thời nay đề nghị không trưng bày Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá trong gia đình cũng như trong nhà thờ. Họ cho rằng hình ảnh này gợi lại sự hận thù và bạo lực. Tuy vậy, Giáo Hội trưng bày hình ảnh Đức Giê-su chịu khổ hình để giúp các tín hữu hiểu về tình thương bao là của Thiên Chúa thể hiện qua cái chết của Đức Giê-su. Qua thập giá, chúng ta học được bài học của lịch sử. Hơn nữa, hình ảnh Đức Giê-su trên thập giá là lời mời gọi hãy loại trừ bạo lực và hãy tôn trọng phẩm giá của con người. Bởi lẽ thập giá và Chúa Giê-su đau khổ vẫn đang hiện diện nơi những người nghèo đói, nơi những trẻ em bât hạnh, những nạn nhân của kỳ thị và áp bức chiến tranh. Cùng chung tay xóa bớt sự nghèo đói, thất học, cùng bênh đỡ những người bị xúc phạm nhân phẩm là vác thập giá cuộc đời để đi theo Đức Giê-su. Khi nhìn lên thập giá, mỗi chúng ta được mời gọi hãy cố gắng để đừng tạo ra thập giá cho những người đang sống xung quanh mình. Ý thức và thực hiện được những điều này, cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao!
Sau cùng, đừng quên rằng thập giá chỉ mang tính nhất thời, vì sau thập giá là sự phục sinh. Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập giá, nhưng Người đã sống lại vinh quang. Thập giá không tồn tại mãi mãi. Nếu biết đón nhận thập giá với tâm tình yêu mến và hy sinh của Chúa Giê-su, thì chắc chắn chúng ta sẽ được tôi luyện và nên thánh.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng

Tại sao có đau khổ?

Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ phải chịu đau khổ và người ta sẽ giết Thầy”. Xa hơn một chút, Ngài sử dụng những từ ghê gớm này là vì chúng ta: “Từ bỏ mình, vác thập giá mình, mất sự sống mình”

Chúng ta đừng thử thoát ra khỏi đó, lựa lọc Tin Mừng chính là từ chối Tin Mừng. Dầu vậy điều đó không có nghĩa là chấp nhận Tin Mừng một cách mù quáng nhưng trên lý thuyết mà thôi. Kẻ nào thực sự muốn đi theo Tin Mừng thì không ngần ngại đặt vấn đề để biết rõ phải đi đâu và tại sao phải đi.

Tại sao Chúa Giêsu phải chịu cực hình Thánh Giá? Đối với Phêrô đây là điều không thể tưởng tượng được. Chúa Giêsu phản ứng nghiệt ngã bởi vì hình dung điều sắp xảy ra là điều khó chịu đối với Ngài. Trong khi đấu tranh chống lại sự âu lo, Ngài muốn hoàn toàn đi vào trong đường lối của Thiên Chúa, thế mà Phêrô kéo Ngài về lại đường lối của con người. “Hỡi Satan, hãy cút đi!”. Đường lối của Chúa chứ không phải đường lối của con người. Điều này có nghĩa là Ngài phải một lần nữa xua đuổi cám dỗ trở nên một Đấng Cứu Thế được toàn dân bỏ phiếu ủng hộ, một Đấng Cứu Thế tành công mà không phải đi qua con đường khổ nạn. Không, phải tới lúc Ngài sẽ bị lăng nhục và bị giết vì lòng ghen ghét. Đó là đường lối của Chúa chứ không phải đường lối của con người.

Đường lối của Chúa sao? Đường lối của Chúa ở đây đối với chúng ta thật khó hiểu! Thiên Chúa muốn có sự đau khổ sao? Thật là phạm thượng. Chúng ta chỉ đoán thấy Thiên Chúa trao ban Con của Ngài để cứu chuộc chúng ta và điều này dẫn đến giờ phút âu lo này. Trong một thế giới bất công, bạo lực và theo đạo hình thức, Chúa Giêsu đã xử sự theo cách Ngài dứt khoát phải chết. Đó là điều giờ đây Ngài cảm nhận được. Chúa Cha không giao phó Ngài cho cái chết, Chúa Cha giao phó Ngài cho sự cứu chuộc mà sự cứu chuộc này phải kinh qua cái chết.

Vẫn còn mầu nhiệm. Nếu tôi tự hỏi: “Tại sao có đau khổ và chết chóc”, tôi sẽ không bao giờ thoát ra khỏi đó, tôi không thể hiểu được ý của Chúa. Nhưng tôi có thể nhìn xem Chúa Giêsu nắm bắt được ý của Chúa như thế nào: “Ngài bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải chịu đau khổ”.

Tôi có quyền xem đây là điều kỳ lạ, cách mạng, miễn là tôi chấp nhận để cho gương của Chúa Giêsu dạy cho tôi môt bài học. Ngài đã không chấp nhận đau khổ một cách mù quáng. Ngài đã thấy đường lối này rồi, Ngài đã thấy rằng Ngài “phải” chịu đau khổ. Đàng sau Ngài, và đây là nghịch lý lớn của Kitô giáo, chúng ta tiếp tục tiến vước trong bóng tối nhưng cũng trong ánh sáng nữa. Do đó, khi chúng ta muốn “cứu mạng sống của chúng ta” bằng cách tách chúng ta ra khỏi Ngài (vì sợ đau khổ) thì chúng ta sẽ mất nó. Giờ đây chúng ta có thể hiểu rõ hơn khẳng định của Ngài: “Kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống”

Nhưng các tiếng này đối với chúng ta có vẻ như không thể hiểu được và khó nghe bao lâu mà chúng ta không biến chúng thành kinh nghiệm. Nếu vậy, không ai theo Chúa Giêsu và ăn năn hối cải. Trái lại, những ai không đọc Tin Mừng thì chắc hẳn những kẻ đó bị đóng khung trong những câu hỏi tại sao.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã biến đổi thập giá thành thánh giá đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần, giúp chúng con can đảm từ bỏ bản thân và trung thành vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm Thánh giá.
Lẽ sống:
Ban phát không ngừng

Trong một câu chuyện ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người khách bộ hành như sau:
     Mệt mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong vắt. Trong những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu về lợi ích của nó.
Người thứ nhất lên tiếng: "Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, nhưng còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau". 
   Người bộ hành thứ hai góp ý: "Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi: Hỡi loài ngừơi, hãy làm việc!Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn".
     Người bộ hành thứ ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên: "Những gì các bạn vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào... Mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế". 
    Sự sống đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài, mà không đòi hỏi một điều kiện nào nơi chúng ta.
    Thiên Chúa chỉ muốn thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và Ngài chờ đợi chúng ta cũng sống như thế. Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống một cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta cũng hãy ban phát không ngừng.
    Thánh Thần là ân ban của Thiên Chúa... Người Kitô nhận lãnh Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên Chúa cho người khác. Càng trao ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét