Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Lời Chúa: Thứ Sáu đầu tháng, năm B. 02.01.2015

Thánh Ba-xi-li-ô Cả và thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-en, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh - lễ nhớ
PHÚC ÂM:   Ga 1,19-28
“Người sẽ đến sau tôi.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
19 Đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông : “Ông là ai ?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng : “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông : “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?” Ông nói : “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?” Ông đáp: “Không.” 22 Họ liền nói với ông : “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?” 23 Ông nói : Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông : “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” 26 Ông Gio-an trả lời : “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
Suy niệm:
"Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dây dép cho Người". Ðó là lời chứng của Gioan về Ðấng Thiên Sai. Gioan muốn khẳng định ông không phải là Ðấng Kitô. Ông chỉ là Sứ Thần đi trước để dọn lối cho Người. Gioan không lạm dụng uy tín để đi quá phạm vi của mình. Ông đã khiêm hạ, chân thật sống đúng là mình.
Lời Chúa trong bài đọc 1, thánh Gioan tiếp tục cảnh tỉnh các kitô hữu hãy đề phòng những kẻ Phản Kitô. Nhưng làm thế nào ta phân biệt ai là những kẻ Phản Kitô? Thánh Gioan cho biết chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta, vì ta được nhận dầu của Ngài. Chúa Thánh Thần là thần chân lý và sự thật nên những ai sống theo sự thật và chân lý, kẻ ấy thuộc về Đức kitô. Còn ngược lại những ai sống giả dối và bất chính thì kẻ ấy chính là những kẻ Phản Kitô.
Để phân biệt đâu là người thật đâu là kẻ gian dối không dễ, nhất là trong xã hội ngày hôm nay. Vì xã hội càng phát triển thì nạn lừa đảo càng tinh vi. Ngày hôm nay không chỉ người ta mượn danh công an giả, cán bộ giả, thầy tu giả…  để lừa gạt thiên hạ, ẵm về cho mình những món tiền lớn và những lợi nhuận kếch xù. Người ta cũng sẵn sàng mượn tạm danh nghĩa, chức vụ, tổ chức giả để vận động gây quỹ từ thiện nhằm móc túi những nhà hảo tâm.
Không chỉ họ lừa tiền, lừa tình mà còn lừa cả về lý tưởng sống nữa. Thật là đáng sợ! Họ là những kẻ nghĩ thế này, nói thế kia, nói một đàng làm quàng một nẻo. Tư tưởng không đi đôi với lời nói, còn lời nói thì không đi đôi với việc làm. Đúng như lời Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh chúng ta: “Họ là những ngôn sứ giả đội lốt chiên mà đến với chúng ta”. Và lưu ý chúng ta phải cẩn thận cảnh giác, đề phòng những hạng người ấy.

Hạt giống Lời Chúa nẩy mầm

1. Vào một đêm trăng, Thích Ca ngồi giữa các đệ tử. Ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói : “Kia là mặt trăng. Cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của Ta là mặt trăng”. Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy giả và những biệt phái... Họ đặt ra 3 hình ảnh về Gioan : Ông có phải là Đức Kitô không ? Ông có phải là Êlia không ? Ông có phải là tiên tri không ? Gioan cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc “Hãy dọn đường Chúa”. Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện : không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
2. Gioan Tẩy giả có một lối sống thu hút nên nhiều người đến với ngài. Nhưng ngài không giữ họ lại cho mình mà dẫn họ tới Chúa. Vậy mà nhiều người làm ngược hẳn lại : đã không dẫn người ta đến với Chúa mà còn ngăn cản hoặc giữ lại cho riêng mình. Người làm chứng cho Chúa đúng nghĩa phải có thể nói như Gioan “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”.
3. Gioan Tẩy Giả đã ‘nói tiếng không’ về bản thân mình, để ‘nói tiếng có’ về CG. “Tôi không phải là…” ‘Có Đấng … đến sau tôi…” - Xin Chúa cứ lớn dần trong con để con ngày càng nhỏ bé trong tay Chúa.
4. Ông Gioan trả lời : “Có một vị ở giữa các ông mà các ông không hay biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27)
Đậu đại học, tôi chuẩn bị vào thành phố. Bạn bè kéo đến chúc mừng, tôi chỉ mỉm cười nghĩ thầm : “Một lời chúc muộn màng, vì mình đã biết chắc trước khi thi kìa !”
Tôi là thế đó : kiêu căng và tự phụ. Tôi chưa bao giờ chịu khuất phục một ai trong lớp, suốt 12 năm học. Và bây giờ cũng thế, thành công như đốt thêm lửa kiêu ngạo trong tôi. Tôi tự cho phép mình bỏ qua mọi ý kiến và suy nghĩ của bạn bè, thậm chí cả những lời Chúa dạy nữa. Tôi quyết định lấy mọi việc và tự hào vì luôn có thể giải quyết mọi vấn đề bằng chính suy tư của mình. Dần dà tôi trở thành kẻ cô đơn vì bị bạn bè xa lánh, đúng hơn chính tôi đã xa lánh họ. Lòng tự mãn khiến tôi nên thiển cận, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến mình mà không biết đến ai, kể cả Thiên Chúa nữa.
Lm Carolo
Sống Lời Chúa:
Xin cho chúng ta biết can đảm sống thật với mình với người và với Chúa  theo gương của Gioan Tẩy Giả mà bài Tin mừng hôm nay nói đến. Đồng thời xin Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ mạo nhận những gì mình không có, cũng đừng bao giờ đánh cắp công ơn của người khác; nhưng phải biết nói, sống và làm chứng cho sự thật, vì "sự thật sẽ giải thoát chúng ta".

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông, là giọt nước góp nên biển cả, một con người nhỏ bé trong vũ trụ bao la, để thấy Chúa muôn trùng cao cả. (Epphata)

Lẽ sống:
Ðóng thuế cho năm mới

"Ðóng Thuế Cho Năm Mới: 15 người thiệt mạng, khoảng 1,500 người bị thương, gần 2,500 lâm cảnh màn trời chiếu đất". Trên đây là hàng tít lớn của hầu hết các nhật báo xuất bản tại thủ đô Manila Phi Luật Tân, trong số ra ngày mùng 02 tháng Giêng mỗi năm, tức là số báo đầu tiên trong năm. Dường như đây là công thức quen thuộc mà bất cứ nhật báo nào cũng đưa ra số báo đầu năm. Ðó cũng là điều mà dân chúng chờ đợi sau một đêm đón giao thừa trong tiếng nổ liên tục của pháo và trong khói bay mịt mù.
15 người xấu số trên đây đều là nạn nhân của những vụ đâm chém, bắn giết vì say sưa quá chén trong đêm giao thừa. 1,500 người bị thương khác là nạn nhân của bất cẩn trong khi đốt pháo.
Chỉ riêng ở thủ đô Manila thôi, chưa tính số tiền được đốt đi trong tiếng pháo, số thiệt hại vì hỏa hoạn và những thiệt hại khác lên đến cả triệu Mỹ kim.
Hôm nay thì mọi người đều trở lại với sinh hoạt bình thường của mình. Ðọc bảng tin về những gì đã xảy ra trong Ðêm Giao Thừa và Ðầu Năm, ai cũng bàng hoàng xót xa cho những người xấu số và có lẽ ai cũng thở ra nhẹ nhõm vì bất trắc đã không xảy đến cho mình. Người ta nghĩ rằng may mắn vẫn còn đó. Bảng tổng kết Ðầu Năm và lời kêu gọi đề phòng cho Năm Mới không mấy chốc cũng sẽ đi vào quên lãng. Bánh xe lịch sử cứ lăn và con người cũng sẽ tiếp tục lập lại những lỗi lầm của quá khứ.
Người Á Ðông chúng ta thường nói: "cha ăn mặn thì con khát nước". Kinh Thánh Cựu Ước cũng viết: "cha ông ăn nho xanh thì con cháu phải ê răng". Người tin ở thuyết quả báo thì cho rằng con cái phải gánh chịu những hậu quả do lầm lỗi của ông bà để lại.
Trong một cái nhìn khách quan và sâu xa hơn, chúng ta phải nói rằng lịch sử thường lặp lại. Lịch sử thường lặp lại, bởi vì nó được cấu tạo bởi những biến cố do con người chủ động. Mà bởi vì mẫu số chung của con người ở mọi thời đại vẫn là tự do, cho nên những lầm lẫn giống nhau được lập lại là chuyện bình thường, có khác chăng là khác ở mức độ và hình thức mà thôi
Ở thời đại nào mà không có chiến tranh, ở thời đại nào mà không có cảnh người bóc lột người, ở thời đại nào mà không có tham, sân, si?
Người Kitô chúng ta hãy nhìn vào bản thân và lịch sử của nhân loại với một cái nhìn thực tế và lạc quan. Thực tế để thấy rằng sống là một cuộc chiến đấu không ngừng: chiến đấu giữa thiện và ác, chiến đấu giữa tự do và nô lệ, chiến đấu giữa ân sủng và tội lỗi. Thực tế để thấy rằng cuộc chiến ấy đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng hãy có cái nhìn lạc quan, lạc quan và tin rằng, lầm lỗi thất bại là khởi đầu của những ân ban dồi dào hơn, và trong cuộc chiến từng ngày đó: Thiên Chúa vẫn luôn có mặt để nâng đỡ chúng ta.


Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Lời Chúa: Thứ Năm Cuối Tuần Bát Nhật Giáng Sinh năm B. 01.01.2015

THÁNH MA-RI-A, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI - lễ trọng
PHÚC ÂM:   Lc 2,16-21
“Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Suy niệm:
·        Trong ân sủng của lễ Chúa giáng sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn về khuôn mặt khả ái của Maria, Mẹ Thiên Chúa. 
Ngày lễ hôm nay được đặt vào ngày đầu năm dương lịch. Như thế Giáo hội muốn đặt năm mới này dưới sự che chở của Mẹ. Bài đọc trích sách Dân số cũng nói cho chúng ta thấy Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta trong năm mới: “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!” Chúng ta hãy dâng năm mới này cho Chúa, cho Mẹ nhân lành. Cuộc sống của chúng ta ngày nay không dễ dàng và nhiều biến chuyển đang đến không hứa hẹn những điều tốt đẹp. Chân trời của năm mới đầy đe dọa. Chiến tranh, khủng bố khắp nơi. Các nước đang tranh chấp và không biết sẽ xảy ra những gì. Chúng ta tin tưởng phó thác cho Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ có thể giúp chúng ta sáng suốt để chọn đúng những gì phải chọn.
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đã được Công Đồng Êphêsô chấp nhận năm 431 để chống lại Nestorius, Thượng phụ giáo chủ Contantinop, chủ trương Đức Maria chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu mà thôi, xem Chúa Giêsu như một người được Thiên Chúa chọn làm Đấng cứu chuộc mà thôi. Công đồng muốn nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật vì thế Mẹ của Chúa Giêsu là Mẹ Thiên Chúa chứ không chỉ là mẹ một con người.
Đối với chúng ta, việc ấy là việc của những nhà thần học. Chúng ta cũng tin thật Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Người đầu tiên, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần đã kêu lên: “Hạnh phúc cho tôi biết bao, vì Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi!” Đó là lời đầu tiên tuyên xưng Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời của bà Êlisabet đó, chúng ta tuyên xưng hằng ngày khi chúng ta đọc kinh Kính mừng.
Làm mẹ Thiên Chúa là một Nữ Hoàng mà thiên thần Gabrien phải cung kính mừng chào, nhưng là một nữ hoàng của một vị vua khiêm tốn, một vị vua nghèo khó. Được làm nữ hoàng, làm mẹ của Vua Trời đất, nhưng Mẹ vẫn là một thôn nữ đơn sơ, tầm thường. Không một mái nhà để sinh con, phải trú nhờ trong một hang đá. Mấy anh chăn chiên được loan báo đã tìm gặp được không phải một bà hoàng lộng lẫy xiêm y, mà là một bà mẹ như bao nhiêu bà mẹ khác, và nghèo hơn mọi người. Một bà mẹ đáng thương, đặt con nằm trong máng cỏ.
Vừa được vài tháng phải bồng bế con chạy lánh nạn nơi xa Ai Cập. Và suốt đời sống như một người nghèo, vợ của một ông thợ mộc vườn. Nhưng Mẹ hạnh phúc biết bao khi thấy con mình lớn khôn, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Như mọi bà mẹ, Mẹ Maria lo cho con, đứa con thần linh của Mẹ. Dạy cho con những tiếng nói đầu đời, dạy cho con những lời kinh mẹ đọc hằng ngày. Mẹ biết con mình là ai. Và Mẹ vẫn gọi nó  bằng tiếng: con ơi.
Mẹ vẫn là nữ tỳ của Thiên Chúa. Săn sóc Chúa Giêsu, Mẹ luôn thấy rằng Mẹ là nữ tỳ. Mẹ phục vụ vô điều kiện. Mẹ đầy tràn Chúa Thánh Thần và luôn sống dưới ánh sáng của Ngài. Vì thế, Mẹ luôn ghi nhớ những gì xảy ra và suy đi nghĩ lại trong lòng, Khi Giêsu ở lại trong Đền thờ mà không báo trước, Mẹ cũng trách: “Con ơi, sao con làm như thế đối với cha mẹ? Con không biết rằng mẹ và cha con phải đau đớn tìm con sao?” Và Giêsu đã trả lời một câu mà Mẹ không hiểu: “Cha mẹ tìm con làm gì? Cha mẹ không biết rằng con phải làm việc của Cha con sao?” Thánh Luca ghi lại: Maria không hiểu lời đó và chắc chắn đã ghi nhớ. Lần đầu tiên Mẹ nghe con của Mẹ nói về Cha trên trời. Chúng ta cũng thấy, chính Mẹ trách Chúa Giêsu, Giuse vẫn im lặng. Ngài tôn trọng Mẹ vì Mẹ mới là Mẹ thật của Chúa.
Maria nghèo về vật chất và cũng nghèo cả về tinh thần, có nghĩa là Maria luôn khiêm tốn phục vụ. Cái nghèo mà sau này Chúa Giêsu tuyên bố là có phúc. Mẹ không hãnh diện vì được làm mẹ Con Đấng Tối Cao, Mẹ chỉ biết âm thầm lo cho con. Mẹ vẫn là nữ tỳ khiêm hạ, làm việc trong bóng tối, không cần ai biết.
Khi con của Mẹ bước ra làm việc của Cha trên trời, Mẹ hoàn toàn lui vào bóng tối. Một đôi khi chúng ta thấy Mẹ xuất hiện, nhưng không do ý muốn mà chỉ do hoàn cảnh như ở tiệc cưới Cana. Mẹ xuất hiện không như một người khách mà là người phục vụ. Mẹ biết được hoàn cảnh của gia đình nhà đám đang thiếu rượu. Mẹ can thiệp không chậm trễ. Nơi đây chúng ta thấy được một nét đặc biệt của Mẹ là lòng nhân ái. Mẹ biết con Mẹ là ai, và mẹ tin rằng con Mẹ sẽ không từ chối Mẹ điều gì. Đây cũng là cách thi thố uy quyền âm thầm của Mẹ, uy quyền của tình yêu. Mẹ đến với Chúa và chỉ cần một lời nói, Mẹ cứu vớt gia đình nhà đám. “Nhà này hết rượu rồi, con”. Chúa Giêsu vâng lời.
Chóp đỉnh của mọi sự: đỉnh đồi Canvê thống khổ. Nơi đó Mẹ mới thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ kiên vững đứng dưới chân thập giá nhìn con yêu của mình chịu treo như một tên tử tội. Mẹ chứng kiến tất cả. Có lẽ lúc ấy Mẹ nhớ lời của cụ già Simêon: một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim Bà”. Mẹ đau khổ đến tột cùng nhưng vẫn can đảm. Mẹ Thiên Chúa là như thế, là liên đới với con trong sứ mệnh của con. Im lặng để cho đau khổ xé nát tim Mẹ. Mẹ khắc ghi những lời cuối cùng của con Mẹ trên thập giá và một lời đáng ghi nhớ đối với chúng ta: “Này là con Bà, này là Mẹ con”. Mẹ không những là mẹ của Chúa Con mà Mẹ lại là mẹ chúng ta. Vào cuối Công Đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã không ngại tuyên bố, Mẹ là Mẹ Giáo Hội, là Mẹ của Chúa Giêsu toàn thể.
Nơi Mẹ chúng ta nhìn thấy Mẹ nối kết hai thái cực. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một tước vị có một không hai trong trời đất, nhưng lại là người đau khổ nhất, khiêm tốn nhất.
Khi mừng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy hồng ân và tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúa đã chọn Mẹ, đã giữ gìn Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, để ban cho Mẹ hồng ân đón tiếp Ngôi Hai xuống thế, và chính chúng ta là những người hưởng nhờ hồng ân vô giá đó. Nhờ Mẹ, chúng ta có được Chúa Giêsu, nhờ Mẹ chúng ta được cứu chuộc và được làm con Chúa. Chúng ta đang sống trong tình yêu của Chúa và của Mẹ. Dù thế giới có sôi sục hận thù, chúng ta vẫn có Chúa là tình yêu không vơi cạn. Dù cuộc sống chúng ta trăm chiều đau khổ, chúng ta vẫn còn có thể tin cậy.
Lm Trầm Phúc

·        Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ các Tín hữu
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đây là chân lý đức tin được Hội thánh tuyên xưng và Công Đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 đã công bố: Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn, Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình, vì thế chúng ta nói: Ngôi Lời đã sinh ra làm người” (DS 251).
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa không phải vì sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa. Đức Maria không thể là Mẹ của thiên tính được. Trong kinh tiền tụng giáng sinh II, Giáo hội cho biết: “Người (Đức Giêsu Kitô) là Đấng vô hình đã xuất hiện hữu hình giữa chúng con, và Người vốn được sinh ra trước mọi thời gian, nay bắt đầu hiện hữu trong thời gian”. Đức Giêsu Kitô có hai lần được sinh ra. Lần đầu từ muôn thuở, Đức Kitô là Con Một Thiên Chúa bởi Đức Chúa Cha mà ra, theo thiên tính. Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1). Lần thứ hai, Đức Giêsu do Đức Trinh Nữ Maria sinh ra theo nhân tính. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử (x. Gl 4,4). Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cũng đã trình thuật biến cố Chúa Giêsu sinh ra tại Belem và các người chăn chiên hối hả đến gặp Hài Nhi Giêsu (x. Lc 2,16). Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu vì đã sinh Chúa Giêsu (x. Lc 2, 6-7) và Mẹ Maria đã đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng Mẹ (x. Lc 2, 21).
Thêm vào đó, danh xưng Đức Maria là Mẹ Đức Giêsu còn được Tin Mừng theo thánh Gioan nhắc rõ trong biến cố tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1) và biến cố tại núi Sọ (x. Ga 19,25). Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là ‘Mẹ của Chúa tôi’ (Lc 1,43) ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Có hai bản tính nơi Đức Giêsu Kitô: thiên tính và nhân tính. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa nhờ vào vấn đề Ngôi hiệp. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Nhân tính đón lấy thiên tính và ngược lại, thiên tính đón lấy nhân tính, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa: Một thân thể được Ngôi Lời cho kết hiệp với mình theo bản thể và vì thế Ngôi Lời được nói là đã được sinh ra theo xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). 
Như thế, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đây là tước vị cao quý mà ngoài Đức Mẹ, không một thụ tạo nào có được. Tước vị cao quý ấy không làm Mẹ xa cách các tín hữu. Trái lại, Mẹ rất gần gũi với các tín hữu trong mối liên hệ thật gần. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội của Công đồng Vaticanô II đã cho biết mối liên hệ giữa Đức Maria và các tín hữu: Vì thuộc dòng dõi Ađam, Mẹ cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, “Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)… vì đã cộng tác trong đức ái để tái sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Đầu ấy” trở nên thụ tạo có thế giá trước mặt Chúa để chuyển cầu cho các tín hữu” (x. LG 53).
Dẫu biết biết rằng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Chúa Giêsu Kitô, là Người, đã dâng mình làm giá chuộc mọi người (x. 1Tm 2,5-6). Tuy nhiên, vai trò làm mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết cách thế nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô (x. LG 60).
Vì thế, các tín hữu được mời gọi chạy đến Mẹ Maria là Mẹ của mình bằng một thái độ tôn kính đặc biệt. Tôn kính Đức Maria cách đặc biệt không có nghĩa là tôn kính tùy tiện theo ý riêng nhưng theo hướng dẫn của Giáo hội. Giáo hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với tính khí cùng tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ giới răn Chúa Con (x. LG 66).
Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Nữ Trinh và các Thánh. Phần các tín hữu, Giáo hội nhắc nhở rằng: lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta (x. LG 67).
Mừng lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa hôm nay, cầu chúc mọi người luôn yêu mến Mẹ Maria bằng một đời sống sùng kính đặc biệt, theo sự hướng dẫn của Giáo hội và nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, mỗi người luôn sống xứng danh là con ngoan của Chúa trong cuộc lữ hành trần thế này và sau khi qua khỏi đời này được đoàn tụ với Mẹ Maria trên Thiên Quốc, hưởng hạnh phúc muôn đời.
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa

Sống Lời Chúa:
Noi gương Mẹ, sống khiêm nhu và phục vụ, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện, dạy chúng ta yêu thương, ơn Chúa sẽ triển nở trong cuộc sống chúng ta, sẽ làm cho cuộc sống tầm thường của chúng ta trở nên hồng ân cho chúng ta và cho mọi anh em cùng sống với chúng ta trong cuộc sống cơ cực khốn khổ này.

Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria! xin Mẹ giúp chúng con biết hiến dâng như Mẹ, phục vụ như Mẹ, lấy Chúa làm trung tâm của cuộc sống, của tình yêu chúng con, cuộc sống sẽ đẹp hơn. Nơi bàn thờ hiến tế, chúng con cùng Mẹ hiến dâng của lễ tạ ơn, và yêu thương đón nhận Chúa Giêsu, Con Mẹ, để cùng Ngài sáng tạo tương lai của chúng con và của Giáo hội. Hiến dâng năm mới này cho Mẹ để nhờ Mẹ giúp chúng con yêu mến Chúa hơn. Cuộc sống này chỉ đẹp khi Chúa Giêsu trở thành trung tâm.

Lẽ sống:
Chiếc mốc thời gian

Cứ ở mỗi cuối năm, hoặc ở khởi đầu của một năm mới, một thập niên mới, một kỷ nguyên mới, tạp chí Time có thói quen chọn một người nổi bật nhất trong lịch sử nhân loại để làm một cái mốc cho thời gian.
Lần đầu tiên, năm 1927, phi công Hoa Kỳ tên là Charles Lindbergh đã được chọn làm người của năm. Viên phi công này là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã thực hiện một chuyến bay liên tục từ New York sang Paris. Người của năm không phải chỉ là một đấng mày râu, mà ngay cả phái yếu cũng được chọn vào danh dự ấy. Trước kia, có nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, và năm 1986, tổng thống Aquino của Phi Luật Tân cũng đã được chọn làm người của năm.
Có đàn ông, có đàn bà. Có những người xây dựng Hòa bình như Mahatma Gandhi, như martin Luther King, mà cũng có những người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho nhân loại như Stalin, như Hitler, như Ðặng Tiểu Bình cũng đã từng được chọn làm người của năm.
Gần đây, thế giới nhìn vào chủ tịch Gorbachov như gương mặt nổi bật nhất của lịch sử nhân loại. Năm 1987, ông được chọn làm người của năm vì đã xuất hiện như một biểu tượng của Hy vọng cho Liên Xô. Và với những thay đổi sâu rộng trong khối Ðông Á? do chính sách đổi mới của ông mang lại, ông được chọn làm người của năm 1989. Nhưng tạp chí Time còn đi xa hơn nữa khi tặng cho ông danh hiệu "Người của thập niên 80". Trước kia, năm 1949, thủ tướng nước Anh là Winston Churchill cũng đã được chọn làm người của nửa thế kỷ.
Thời gian sẽ vô nghĩa và trống rỗng, nếu không được liên tục bằng những cái mốc của lịch sử. Con người cần có những chiếc ấy để nhìn lại quá khứ và dự phóng cho tương lai.
Người Kitô sống giữa thế giới không thể không dựa vào những chiếc mốc thời gian ấy. Nhưng chúng ta không nhìn vào những chiếc mốc thời gian ấy với đôi mắt bàng quan, hoặc tệ hơn nữa, bằng cái nhìn bi quan. Trong đức tin, tất cả được nhìn bằng đôi mắt lạc quan, bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa là chủ của lịch sử, Thiên Chúa luôn có mặt trong lịch sử con người.
Tin vào sự hiện diện và hướng dẫn ấy của Thiên Chúa, chúng ta nhìn vào những chiếc mốc của thời gian như những dấu hiệu của Hy vọng. Ngay cả trong thất bại, rủi ro, tang tóc, thương đau, người Kitô cũng luôn nhận ra những dấu chỉ của Hy vọng.
Tất cả mọi biến cố xảy đến đều phải được nhìn trong ánh sáng phục sinh của Ðức Kitô. Cái chết đau thương và nhục nhã của Ngài trên thập giá không phải là ngõ cụt, là đường cùng, là tăm tối mà là đường dẫn về Ánh Sáng.
Tin tưởng ở sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng phút giây của cuộc sống và lịch sử con người, cái mốc thời gian của chúng ta có lẽ không phải là đơn vị của năm, thập niên, mà là từng phút giây của Hiện tại. Và người được chúng ta chọn cho từng phút giây ấy phải là Thiên Chúa, chủ của thời gian, chủ của lịch sử.
Xin chọn Người làm trung tâm điểm của cuộc sống, xin chọn Người làm Sự Sống, xin chọn Người làm Lý Tưởng, xin chọn Người làm Cảm Hứng, xin chọn Người làm tất cả cho cuộc đời, xin chọn Người trong từng phút giây của cuộc sống.


Lời Chúa: Thứ Tư ngày VII trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh năm B. 31.12.2014

Thánh Xin-vét-te I, giáo hoàng
PHÚC ÂM:   Ga 1,1-18
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm.”
Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố :
Đây là Đấng mà tôi đã nói :
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16 Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
Suy niệm:

Đối diện với sự xuất hiện của Đức Kitô, con người buộc phải tỏ thái độ: tin hay không tin. Tùy thuộc vào thái độ này, con người tự chọn cho mình phải hư đi hay đạt tới cuộc sống đời đời. Thiên Chúa không cần phán xét con người, nhưng Ngài để cho con người tự phán xét lấy. Điều này đã rõ ràng trong Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Jn 3:16-18).
Các bài đọc hôm nay xoay chung quanh việc từ chối tiếp nhận Đức Kitô.
Trong Bài đọc I, Thánh Gioan đề cập đến những kẻ Phản Kitô và cuộc giao chiến cuối cùng của các Kitô hữu với những kẻ này.
Trong Phúc Âm, Thánh Gioan tường thuật hai phản ứng của con người khi Ngôi Lời xuất hiện:
1. Có những kẻ từ chối tiếp nhận Người: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Jn 1:10-11).
2. Nhưng nếu ai tiếp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa (Jn 1:12).
Theo lẽ tự nhiên, cuối năm, người ta thường hay ngồi lại để tính sổ, thanh toán với nhau những điều cần thiết. Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải ngồi lại để tính sổ với Chúa về những điều mình đã làm được, cũng như những điều mình chưa làm được, để tạ ơn và tạ lỗi; để chúc tụng và phó dâng...
Ngồi lại để suy nghĩ về ơn Chúa, có lẽ nhiều người trong chúng ta đây đều cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đã ủ ấp trên cuộc đời chúng ta quá nhiều! Tuy nhiên, tình yêu đó có được chúng ta khám phá và làm lan tỏa ra với người khác hay không? Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ...!
Mặt khác, thái độ tạ ơn phải luôn thường trực trong tâm hồn chúng ta, bởi vì: vui buồn, sướng khổ đều có Chúa đồng hành. Thành công, thất bại không nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa. Chúa luôn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là kẻ phản bội.
Tình yêu đó được ví như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, như người mẹ bao bọc che chở con mình. Cả những lúc ta đau buồn thất vọng, thì tình yêu đó càng quyết liệt, thắm thiết hơn. Lúc đó, Ngài thường vác chúng ta lên vai để chúng ta được an toàn.
Khi nhìn về quá khứ, chúng ta thấy tình yêu của Chúa tràn ngập trên chúng ta. Còn nhìn về viễn cảnh tương lai, chúng ta phó thác cho Chúa tất cả, vì: “hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.
Mong sao, mỗi người chúng ta có được niềm tin vào tình thương của Chúa vì Ngài luôn lo lắng cho chúng ta.
Quả thật, người có niềm tin thì luôn cảm thấy: “có Chúa chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người để tôi vào nghỉ. Bên dòng nước trong lành, dẫn tôi về bổ sức. Và: Dầu qua trong thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy hại, vì có Chúa ở cùng, côn trượng Ngài sẵn đó, tôi vững dạ an tâm”.

Sống Lời Chúa:
Chúng ta phải cẩn thận đề phòng những kẻ Phản-Kitô: những người từ chối Đức Kitô, những người mạo nhận danh nghĩa của Ngài, và những người muốn thay Ngài bằng những điều khác.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúng con được biết Chúa là nhờ Giáo Hội truyền dạy qua Kinh Thánh, đặc biệt qua Tin Mừng. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con ham thích học hỏi Lời Chúa do các đấng bậc trong Giáo Hội Chúa hướng dẫn để niềm tin của chúng con đi đúng con đường về Nước Trời.

Lẽ sống:
Lẽ sống

Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửa. Ông rất ân hận vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách.
Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy ban làm việc thêm một thời gian nữa. Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôi. Vị trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi chết". Nhà vua gật đầu. Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng.
Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua với không biết bao đói khổ, chiến tranh, chết chóc cho nhân loại cũng như cho chính bản thân, có lẽ cũng có nhiều người đi đến kết luận bi quan như viên trưởng ban tu sử trong câu chuyện trên đây: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".
Ði qua một đoạn đường trong cuộc lữ hành trần gian, Giáo Hội muốn chúng ta mặc lấy thái độ hân hoan và lạc quan. Bài ca trên môi miệng của chúng ta trong ngày hôm nay không phải là bài ca bi ai, tả oán, mà phải là bài ca "Te Deum", ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa. Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa bởi vì vinh quang của Ngài là con người được sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của người chết.
Không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt. Bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết, mà là Sự Sống. Bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Còn tâm tình nào xứng hợp trong ngày cuối năm cho bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng ta. Cảm tạ và phó thác cho Chúa vì cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.