PHÚC ÂM: Mt 13, 47-53
"Người ta lựa cá tốt bỏ vào
giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả
dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà
lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế
cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi
ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu
những điều đó không?" Họ thưa: "Có".
Người
liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống
như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa
Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.
Suy niệm:
Dụ
ngôn chiếc lưới được coi là dụ ngôn cuối cùng, trong một chuỗi bảy dụ ngôn của
chương 13 theo Tin Mừng Mátthêu. Dụ ngôn này có nhiều điểm tương đồng với dụ
ngôn lúa và cỏ lùng. Cả hai đều nói đến sự tách biệt kẻ xấu và người tốt vào
ngày tận thế, và kẻ xấu sẽ bị Thiên Chúa luận phạt nghiêm minh (cc. 42. 50).
Đức
Giêsu đã dùng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi để nói về Nước Trời. Có khi là
hình ảnh nông nghiệp như dụ ngôn người gieo giống, dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hay
dụ ngôn hạt cải.
Có
khi là hình ảnh về chăn nuôi như dụ ngôn về người mục tử. Có khi là hình ảnh về
ngư nghiệp như trong dụ ngôn chiếc lưới. Một số môn đệ của Ngài đã sống bằng
nghề chài lưới ở hồ Galilê. Thời xưa việc đánh cá ở hồ này cũng đơn giản như ở
quê ta ngày nay.
Những
ngư phủ đi trên những chiếc thuyền nhỏ. Họ quăng lưới vào những nơi thấy dấu hiệu
có cá đang đi. Lưới với những hòn chì nặng sẽ chụp xuống đàn cá và họ chỉ cần
kéo vào bờ.
Một
chi tiết đáng chú ý ở đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu. Hình ảnh
này gợi cho ta về việc mọi người, bất luận tốt xấu, đều được mời gọi tham dự
bàn tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10).
Trong
Hội Thánh, cũng có sự pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu, như được ám chỉ trong dụ
ngôn lúa và cỏ lùng. Ở các tỉnh ven hồ Galilê, ta dễ thấy cảnh tượng các ngư phủ
ngồi trên bờ, gom cá đánh được trong ngày, giữ lại cá tốt, quăng đi cá xấu. Chỉ
khi lưới đầy, họ mới làm công việc lựa cá như vậy (c. 48).
Tương
tự như trên, chỉ khi đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện, để tách biệt
kẻ xấu ra khỏi người công chính (c. 49).
Như
thế tình trạng hiện nay của Hội Thánh vẫn là chưa hoàn hảo. Không phải mọi Kitô
hữu đều đã sống tinh thần Bài Giảng trên núi. Có những Kitô hữu không sinh
trái, vì hạt giống nhận được đã bị thui chột, bởi thử thách gian nan hay mối lo
toan vật chất (Mt 13, 18-22).
Có
những Kitô hữu tuy vẫn kêu Đức Giêsu là Lạy Chúa ! (Mt 7, 21-23), vẫn nhân danh
Ngài mà nói tiên tri, trừ quỷ hay làm phép lạ, nhưng lại không thi hành ý muốn
của Cha trên trời và làm điều gian ác. Có những Kitô hữu dự tiệc cưới mà không
mặc áo cưới (Mt 22, 11-13).
Có
những Kitô hữu là muối nhạt, đã trở thành vô dụng (Mt 5, 13).
Như
thế gia nhập Hội Thánh không phải là một bảo đảm để được cứu độ. Còn cần sống
hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48).
Thời
nay chúng ta không thích nghĩ đến những chuyện bị coi là xa xôi, như chuyện tận
thế, chuyện Thiên Chúa phán xét và luận phạt.
Chúng
ta thích sống yên ổn với một Thiên Chúa nhân hậu vô cùng, đến độ có vẻ như hỏa
ngục chỉ là chuyện viển vông để dọa con nít.
Nhưng
dù sao cũng không tránh được ngày cỏ lùng bị tách khỏi lúa, cá xấu bị tách khỏi
cá tốt, kẻ bất lương bị tách khỏi người lành.
Cuối
cùng Nước Trời sẽ không còn chút bóng dáng của sự dữ, và Thiên Chúa sẽ là mọi sự
cho mọi người (1 Cr 15, 28).
Sống Lời Chúa:
+
Mong sao, niềm tin vào ngày phán xét,
vào đời sau, giúp tôi sống trọn hảo ở cuộc đời này.
+
Mong sao, trong ngày phán xét, thiên
đàng sẽ là nơi Chúa đưa tôi đến, nhờ một đời tôi đã gắn bó với Lời Ngài và Luật
Ngài.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, cuộc đời thường khiếm
khuyết, nhưng chúng con lại mong muốn tròn đầy. Chúng con thường dễ dãi với
mình nhưng lại khắt khe với tha nhân. Xin giúp chúng con biết khoan dung và
kiên nhẫn như Chúa đã từng chậm bất bình và rất mực khoan dung với chúng con.
Xin ban cho chúng con một tấm lòng nhân ái để chúng con dám làm chứng cho tình
yêu của Chúa giữa thế giới đầy hận thù hôm nay.
Lẽ sống:
Sự
cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc
biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện,
có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc
sống con người... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục
đích của các ngôi thánh đường.
Tuy
nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một
khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời
cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung
trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay
trên chợ đời.
Thành ra, lời cầu
nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa
trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu
nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như
không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa,
một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống "xin vâng" trong từng
phút giây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét