PHÚC ÂM: Mt 13, 31-35
"Hạt cải trở thành cây đến nỗi
chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống
như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống,
nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời
đến nương náu nơi ngành nó".
Người
lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như nắm men
người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".
Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều
gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng:
"Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng
nên thế gian".
Suy niệm:
·
Hạt cải nhỏ bé, nhỏ nhất trong
các hạt rau, nhỏ bé không gây ấn tượng, nhưng rồi nó mọc lên thành cây thì lại
là thứ rau lớn nhất, đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành. Tương tự như thế,
Nước Trời mà Chúa Giêsu thiết lập lúc đầu chỉ với những con người nghèo khó
trong xã hội, nhỏ bé như hạt cải, nhưng đã phát triển lớn lên và vươn tận chân
trời góc biển, trở thành nơi trú ngụ cho mọi dân tộc trên mặt đất. Sự lớn lên mạnh
mẽ của Nước Trời nhờ một sức mạnh nội tại đến từ Thiên Chúa chứ không do những
yếu tố con người. Hạt cải Nước Trời sẽ trở thành cây lớn mà không gì có thể
ngăn cản. Đó là sự thật thuộc về Thiên Chúa.
·
Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền
giáo thời nay quan tâm.
Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ?
Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc
sống Tin Mừng?
Làm sao để Kitô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có
tính phổ quát, vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã
hội?
Đó là một nỗ
lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu.
Nhân dịp kỷ
niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610), Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này. Với thiện cảm sâu xa
đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa, cha Matteo đã đem Tin Mừng đến
để bổ sung những truyền thống tốt đẹp. Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nho
gia uyên thâm, và chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ
tiên.
Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ, Cha là người
vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa. Mười năm cuối đời
sống ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo, quen biết với nhiều học giả trong
triều đình và đưa họ vào Kitô giáo.
Cách truyền
giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột.
Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn.
Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm
người ăn.
Điều đáng ta để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột.
Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột
lớn.
Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay.
Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với
bột.
Qui trình lên men đòi hỏi thời gian.
Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột
lên men, nở ra. Bấy giờ ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn giấu và tác động của men
trong bột. Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh
rồi. Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh.
Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời.
Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé, nhưng với thời gian
sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành.
Tỷ lệ người
Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ. Nhưng nếu chúng ta khiêm
tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc, tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm
linh của đồng bào, chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáo trở nên
phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn.
Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống
bột. Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu. Nhưng cũng
phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng.
Nếu chúng ta
chẳng làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon, nếu môi trường chúng ta
đang sống, đang làm việc chẳng có gì tiến bộ, chẳng công bằng hơn, huynh đệ
hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn...thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình
có còn là thứ men tốt không.
Sống Lời Chúa:
+
Những việc nhỏ, một nghĩa cử thân ái, một
lời nói an ủi, khích lệ, một công việc bổn phận hằng ngày được thực hiện cách
chu đáo, v.v… những việc nhỏ như thế sẽ không còn là nhỏ nếu như chúng được thực
hiện bởi một niềm tin son sắt và một tình yêu nồng nàn dành cho Đức Ki-tô. Những
công trình lớn lao sẽ chỉ là trống rỗng nếu thiếu vắng động cơ tiềm tàng này.
+
Chu toàn những công việc bổn phận hằng ngày của bạn với lòng yêu mến Chúa và
tha nhân.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, Chúa coi trọng đồng tiền
nhỏ của bà goá, Chúa nói Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn trẻ thơ. Con
xin dâng những công việc nhỏ bé hằng ngày con làm vì yêu mến Chúa, để nhờ đó
Chúa cho con được vinh dự góp phần xây dựng Nước Trời.
Lẽ sống:
Những
Kỷ Niệm Nhỏ
Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa
nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ I, là người rất thận trọng đối với những kỷ
niệm nhỏ.
Lần
kia, ông và phu nhân cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại một
thành phố thuộc tiểu bang Montana.
Cảnh
sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Nhưng, không hiểu
làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi
của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia. Một
cậu bé tìm cách tặng cho kỳ được lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà em đang cầm trên
tay. Cảnh sát cố tình ngăn chận cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ
và vẫy tay em một cách nhiệt tình.
Cậu
bé khác cảm thấy buồn hiu vì em không có gì để dâng tặng cho tổng thống. Em cố
gắng mò mãi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng
vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho tổng thống. Em sung sướng vô
cùng, bởi vì chính tổng thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của
em với tất cả trang trọng.
Năm
năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Bà Wilson xếp đặt lại các đồ dùng quen thuộc
của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy có một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận.
Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận ra ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho
chồng bà cách đây năm năm. Ông quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang
nó theo.
Thiên
Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng
xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật...
Một Thiên Chúa giàu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta
cho bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh,
phục vụ quên mình của chúng ta...
Chúa
Giêsu đã cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng
thành của con người. Lần kia, Ngài vào đền thờ và quan sát những người đang
dâng cúng tiền của. Ai ai cũng bỏ tiền vào hòm, chợt có một người đàn bà góa chỉ
bỏ có một đồng xu nhỏ. Vậy mà Ngài đã tuyên bố: Người đàn bà này đã dâng cúng
nhiều hơn ai hết, bởi vì trong khi mọi người bố thí những của dư thừa của mình,
còn người đàn bà nghèo này lại dâng cúng tất cả những gì mình có để độ nhật...
Thiên Chúa luôn trân
trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng Ngài. Những lễ vật càng đơn
sơ, nhỏ bé dưới mắt người đời, càng có giá trị trước mặt Chúa. Chỉ có Chúa mới
thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên mình từng
ngày, của những việc làm vô danh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét