PHÚC ÂM: Mt 13, 24-30 hoặc
24-43
"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa
gặt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân
chúng rằng: "Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng
mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay
giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy
tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: 'Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt
trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?' Ông đáp: 'Người thù của ta đã
làm như thế'. Đầy tớ nói với chủ: 'Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ'.
Chủ nhà đáp: 'Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng.
Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt:
"Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu
lúa lại chất vào lẫm cho ta".
Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng:
"Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé
nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi
thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng:
"Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho
đến khi bột dậy men".
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với
dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm
lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra
những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian". Sau khi giải tán dân chúng,
Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải
thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp rằng: "Kẻ
gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái
Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt
là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng,
rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con
Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác
khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến
răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có
tai để nghe thì hãy nghe".
Suy
niệm:
1.
Dụ ngôn cỏ lùng: Thực trạng kẻ tốt người xấu sống
đan xen
Ngày
nay trong xã hội vẫn còn nhiều kẻ gian ác sống lẫn lộn với người lương thiện.
Trong lòng Hội Thánh cũng có tình trạng tương tự: Trong cộng đoàn giáo xứ, hội đoàn
hay dòng tu, luôn có các người tốt xấu sống chung lẫn lộn và người tốt luôn bị
kẻ xấu ức hiếp hãm hại. Ngay trong hàng ngũ các mục tử chăn dắt đoàn chiên,
ngoài đại đa số là các mục tử nhân hậu, đã tận hiến cuộc đời để phục vụ đoàn
chiên, vẫn không thiếu những kẻ chăn thuê ích kỷ vụ lợi, chỉ lo tìm lợi bằng việc
xén lông chiên, uống sữa chiên và ăn thịt chiên nhưng lại không tha thiết đến số
phận của đoàn chiên, biểu hiện qua thái độ làm khó con chiên và chạy trốn khi
thấy sói rừng, bỏ mặc đoàn chiên cho sói mặc sức cắn xé giết hại... Tin Mừng
hôm nay cũng cho thấy ma quỷ là kẻ thù của Thiên Chúa chính là tác nhân gieo rắc
sự gian ác vào lòng con người, cám dỗ họ chống lại Thiên Chúa và gây đau
khổ cho tha nhân. Vậy làm thế nào để phân biệt ai là lúa tốt ai là cỏ lùng? Phải
đối xử thế nào với những kẻ xấu xa gian ác thành viên của Hội Thánh?
a.
Phân
biệt xấu tốt theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Thông
thường thật khó phân biệt được người tốt và kẻ xấu vì lòng người khó biết được
như người xưa đã dạy: "Sông sâu còn có người dò. Lòng người nham hiểm ai đo
cho cùng! ". Các nhà tu đức cũng diễn tả về thực trạng này như sau: người
thánh thiện thực sự thì không có dáng vẻ đạo đức, còn kẻ thánh thiện giả lại
luôn mang bộ mặt thánh thiện ("Sanctus est sed non videtur, videtur sed
non est"). Chẳng hạn: bọn Pha-ri-sêu giả hình "Làm mọi việc cốt để
cho thiên hạ thấy... đeo những hộp kinh thật lớn mang những tua áo thật dài...
(Mt 23,5) thì được mọi người kính trọng và khen là đạo đức, còn Đức Giê-su là
"Đấng Thánh của Thiên Chúa" lại có lối sống chan hòa bình dị như người
thường, thì lại bị thiên hạ đánh giá là "tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu
thuế và phường tội lỗi" (Mt 11,19). Tuy nhiên Đức Giê-su đã vạch mặt bọn
người Pha-ri-sêu giả hình như sau: "Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và
người Pha-ri-sêu giả hình!... bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ,
nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác !" (Mt 23,27-28). Về việc xét đoán
người tốt kẻ xấu, cần nghe theo lời dạy của Đức Chúa với Sa-mu-en: "Thiên
Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức
Chúa thì thấy tận đáy lòng" (1 Sm 16,7).
b.
Người
đạo đức sẽ tránh thói giả hình và làm mọi việc với lòng mến:
Đức Giê-su đã dạy môn đệ phải tránh thói giả hình khi làm các việc đạo đức:
"Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường
biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật
anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái
biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo, và Cha của anh, Đấng
thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh" (Mt 6,2-4). Thánh Phao-lô
còn dạy các tín hữu phải làm mọi việc với lòng mến Chúa yêu người: "Giả
như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu
thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1 Cr
13,3).
2.
Giá
trị của đau khổ ?:
Thiên
Chúa cho phép sự ác xuất hiện để thử thách và thanh luyện con người. Trong chuyện
ông Gióp, Thiên Chúa đã cho ma quỉ được thử thách đức tin của ông (x. G 1,12;
2,6). Như vậy đau khổ thử thách cũng có giá trị vì những lý do sau:
a.
Đau
khổ giúp ta nên hoàn hảo hơn: Chẳng hạn lần đầu
dùng dao, ta đã vụng về nên bị đứt tay, từ đó ta sẽ rút kinh nghiệm để ngày
càng sử dụng dao thành thạo hơn.
b.
Tội
lỗi và đau khổ sẽ giúp ta khiêm tốn và thông cảm với tha nhân hơn:
Nhờ đã từng bị đau mắt hay đau răng, bị đau khổ vì người yêu phụ bạc... mà
chúng ta sẽ dễ cảm thông với những ai bị đau khổ như vậy, nhờ đó lòng đạo đức
nơi ta cũng được gia tang.
c.
Chúa
có thể rút từ sự dữ ra sự lành: ngụ ngôn
Trung Hoa có câu chuyện sau: Một ông già ở gần biên giới có con ngựa rất quí tự
nhiên bị mất tích. Một tuần sau, con ngựa ấy quay về trang trại dẫn theo một
con ngựa cái khác cũng xinh đẹp và quí hiếm như nó. Từ khi có hai con ngựa quý,
cậu con trai ông chủ ngày ngày cùng chúng bạn chơi đua ngựa. Một hôm anh ta bị
té gẫy chân. Năm sau, khi quân địch tấn công vào các làng biên giới, mọi trai
tráng trong làng đều bị động viên lên đường chiến đấu nơi tiền tuyến, mười người
đi thì bị chết chin người. Riêng con trai ông lão vì bị què chân không phải nhập
ngũ nên còn sống... Câu chuyện này cho thấy điều dữ có thể là khởi đầu cho điều
tốt và ngược lại. Nếu người ta có thể biến một điều xấu thành tốt, thì Thiên
Chúa quyền năng nhân hậu cũng có thể rút từ sự dữ ra sự lành. Thánh Phao-lô đã
viết như sau: "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu
mến Người" (Rm 8,28). Bài "Mừng vui lên" (Exultet) hát trong đêm
Phục Sinh đã gọi tội nguyên tổ là "tội hồng phúc", vì nhờ tội này mà
Thiên Chúa đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại chúng ta.
d.
Chấp
nhận đau khổ còn là cách chứng tỏ một tình thương thực sự:
Trong đời sống thường ngày, đau khổ của người này có thể thành nguyên nhân đem
lại hạnh phúc cho người kia. Chẳng hạn: Sự cực khổ của cha mẹ sẽ mang lại hạnh
phúc cho con cái. Do đó khi chấp nhận chịu thua thiệt đau khổ để người khác được
hạnh phúc là dấu hiệu của một tình yêu thực sự. Đức Giê-su đã thể hiện tình yêu
tột cùng khi chịu thiệt rửa chân cho các môn đệ và sau đó đã lập bí tích Thánh
Thể để nên của ăn và ở cùng Hội Thánh luôn mãi.
3.
Tình
thương của Thiên Chúa đối với kẻ gian ác:
a.
Cứ
để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt: Có lẽ chúng ta
sẽ làm như các người làm công trong dụ ngôn khi phát hiện kẻ xấu đã đề nghị
với ông chủ: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?"
Nhưng ông chủ đã từ chối với lý do: "Sợ rằng khi gom cỏ lùng, các
anh lại làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa
gặt". Qua đó cho thấy lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với tội
nhân là cho họ có thời gian hồi tâm sám hối. Thực tế có những người hôm nay
là tội nhân, nhưng khi được ơn Chúa, đã trở nên thánh thiện, như các thánh:
Phê-rô, Phao-lô, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, Au-gút-ti-nô...
b.
Dụ
ngôn cho thấy ý định của ông chủ là Thiên Chúa như sau:
"Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó
thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi".
Như vậy, ngoài một số ít kẻ gian ác bị trừng phạt nhãn tiền để răn đe, còn nói
chung, Thiên Chúa luôn tỏ lòng bao dung, kiên nhẫn chờ đợi kẻ gian ác ăn năn
sám hối như Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: "Ta không muốn cho kẻ gian ác phải chết.
Nhưng muôn nó ăn năn sám hối và được sống" (Ed 18,28).
c.
Về
số phận của con người: Số phận mỗi người được quyết định
vào giờ chết của mỗi người hay vào ngày tận thế chung cả nhân loại, như Đức
Giê-su đã giải thích ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng: "vậy, như người ta
nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế
cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người
tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian
ác, mà tống ra khỏi Nước của Người. Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó,
chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ
chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ" (Mt 13,40-43).
4. Chúng ta phải làm gì?
a. Trước hết: Phải ghét
ma quỷ và mọi tội lỗi gian ác, nhưng phải thương yêu các tội nhân và
giúp họ quay về giao hòa với Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ. Cần khôn ngoan
phân biệt thật giả tốt xấu để làm bạn với người tốt và tránh chơi với kẻ xấu để
tránh trở thành kẻ xấu, như người xưa đã dạy: "Ngưu tầm ngưu, mã tầm
mã". Nhưng nếu kẻ có tội là người thân của mình, thì hay vì xa lánh, chúng
ta cần kiên nhẫn chịu đựng và khôn ngoan nhủ bảo, hy vọng họ sẽ sớm hồi tâm
trở về với Chúa. Nhưng nếu kẻ gian ác cố chấp và ngày càng lún sâu vào tội
ác, thì chúng ta cần đoàn kết để chế tài, không cho kẻ ác tiếp tục làm hại người
lương thiện.
b. Cũng cần ý thức mặt tích cực của tội lỗi và sự ác: Sự xấu hay điều ác tuy có gây cho chúng ta phải khó chịu,
nhưng cũng có mặt tích cực là giúp thanh luyện chúng ta. Do đó nếu phải sống
chung với chồng hay vợ là kẻ xấu thì ta cần tìm cách sửa lỗi cho họ. Cần nhẫn
nhịn chịu đựng họ và coi họ như phương thế giúp ta được thanh luyện để ngày một
nên hoàn thiện hơn. Về vấn đề này, tác giả thư Do thái cũng viết: "Chúa
thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi
cho vọt" (Dt 12,6).
c. Mỗi ngày hãy quyết tâm làm một việc tốt để cộng tác chống lại sự
ác: Chẳng hạn: giúp một
người mù chữ biết đọc biết viết, gia nhập vào một hội đoàn tông đồ giáo
dân... Mỗi ngày làm một việc thiện giúp ích cho một người kèm theo một lời
nguyện tắt để xin Chúa cho một tội nhân được ơn trở lại, noi gương thánh
Tê-rê-sa làm mọi việc để cầu nguyện cho một tử tội. Cuối cùng chị đã nhìn thấy
hắn tỏ dấu ăn năn trước khi bị hành hình...
Sống Lời Chúa:
+ Học được bài học nhẫn nại
đợi chờ của Chúa, tôi sẽ đối xử khoan dung và kiên nhẫn hơn với người chung
quanh.
+ Vô nhân thập toàn, nhưng
cũng không có ai là người xấu hoàn toàn. Nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những
giới hạn của mình và chấp nhận giá trị của người khác, thì có lẽ chúng ta sẽ
không bất mãn về người khác cũng như đối với chính mình. Cuộc sống chỉ có thể
thở được nếu mỗi người chúng ta biết cư xử bằng sự cảm thông và tha thứ.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa!
·
Xin biến đổi con trở nên một
người tốt và nên con hiếu thảo của Chúa Cha noi gương Chúa xưa.
·
Xin hãy biến đổi đôi mắt con
khi nhìn thấy lỗi lầm của anh em giống như cái nhìn từ bi bao dung của
Chúa đối với tông đồ Phê-rô sau khi ông phạm tội.
·
Xin hãy biến đổi tai con để
biết lắng nghe những lời kêu cứu của anh em như Chúa đã nghe thấu lời
người mù kêu xin và đã chữa cho anh được sáng mắt.
·
Xin biến đổi lòng trí con để
nhận ra thánh ý Chúa Cha như xưa Chúa đã vâng theo ý Chúa Cha trong Vườn
Cây Dầu.
Xin biến đổi tình cảm của con để mỗi
ngày thêm lòng mến Chúa yêu người. Mỗi lần rước lễ, xin hãy thánh hóa
môi miệng con, biến đổi tâm tư tình cảm và toàn thể con người con, để
con trở thành người mang Chúa là tình thương đến chia sẻ với mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét