Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Lời Chúa: thứ Sáu XVII Thường Niên Năm A. 01.8.2014

PHÚC ÂM:   Mt 13, 54-58
"Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư ? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người.

Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.
Suy niệm:
Người ta bảo rằng đời sống chung, nhất là đời sống hôn nhân, phải không ngừng tranh đấu với một quái vật có thể nuốt chửng mọi sự, đó là sự quen thuộc! Ngạn ngữ tiếng Anh cho rằng: “Sự quen thuộc sinh ra việc coi thường.” Nghe lời Đức Giê-su rao giảng, dân làng Na-da-rét sửng sốt hỏi: Bởi đâu ông Giê-su này được sự khôn ngoan như vậy? Một câu hỏi rất hay, có thể giúp họ nhận ra được chân tướng của Vị Cứu Thế. Thế nhưng, sự quen thuộc với gia đình, họ hàng của Ngài, với nghề nghiệp của cha nuôi Ngài, đã khiến họ coi thường Đức Giê-su, ngăn cản họ nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a của Chúa. Họ thất bại không trả lời được câu hỏi quan trọng bởi đâu do bởi thái độ “quen quá hóa nhàm” của họ.
Sống Lời Chúa:
+ Có những thành kiến thật vô lý, thế nhưng người ta vẫn để cho những thành kiến vô lý ấy ảnh hưởng đến mình.
+ Phải chăng nhiều lần tôi cũng đánh giá người khác theo những thành kiến: Anh ấy, chị ấy không thể nào khác được! Con người như thế đó mà làm được cái gì!
+ Thái độ “Gần chùa gọi bụt bằng anh,” cũng có thể là tâm trạng của bạn hiện nay. Gần gũi, thường xuyên tiếp xúc với Chúa, các bí tích, nhất là Thánh Thể, khiến bạn mất đi cảm nhận về sự thánh thiêng, cao trọng của Thiên Chúa và các bí tích.
+  Bạn sẽ làm gì để sự gần gũi, thân thiết với Chúa và các bí tích, nghi lễ giúp bạn thêm gắn bó, thay vì coi thường?
+  Xem lại thái độ của tôi mỗi lần tham dự thánh lễ, các nghi thức... và luôn trân trọng, thành kính, sốt sắng mỗi khi tham dự.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin sắt son và một lòng mến nồng nàn để chúng con luôn phụng sự Chúa qua việc chu toàn bổn phận hằng ngày, nhất là biết phục vụ Chúa trong những người anh em hèn mọn chung quanh.
Lẽ sống:
Cô đơn là nguyên nhân gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng ta. Cô đơn đưa chúng ta đến sầu muộn. Sầu muộn đưa chúng ta đến nổi loạn. Nổi loạn đưa chúng ta đến tội ác...
Có những người bị người khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn. Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết, là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Ðể ra khỏi cô đơn, liều thuốc duy nhất chính là làm cho người khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất lên để mời gọi mọi người cùng hát với mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi mọi người cùng phấn khởi với mình, một nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với nhau trong một niềm vui chung, người ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc trong tâm tư.
Có ra khỏi chính mình để chia vui sẻ buồn với người, có ra khỏi chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu tư phiền muộn của người, có ra khỏi chính mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi cô đơn của mình và cũng giúp người bớt cô đơn.

Cho thì có phúc hơn nhận lãnh: càng trao ban, càng ra khỏi chính mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi những ưu tư, lo lắng của mình...

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Lời Chúa: thứ Năm XVII Thường Niên Năm A. 31.7.2014

PHÚC ÂM:   Mt 13, 47-53
"Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".

Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.
Suy niệm:
Dụ ngôn chiếc lưới được coi là dụ ngôn cuối cùng, trong một chuỗi bảy dụ ngôn của chương 13 theo Tin Mừng Mátthêu. Dụ ngôn này có nhiều điểm tương đồng với dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Cả hai đều nói đến sự tách biệt kẻ xấu và người tốt vào ngày tận thế, và kẻ xấu sẽ bị Thiên Chúa luận phạt nghiêm minh (cc. 42. 50).

Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi để nói về Nước Trời. Có khi là hình ảnh nông nghiệp như dụ ngôn người gieo giống, dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hay dụ ngôn hạt cải.
Có khi là hình ảnh về chăn nuôi như dụ ngôn về người mục tử. Có khi là hình ảnh về ngư nghiệp như trong dụ ngôn chiếc lưới. Một số môn đệ của Ngài đã sống bằng nghề chài lưới ở hồ Galilê. Thời xưa việc đánh cá ở hồ này cũng đơn giản như ở quê ta ngày nay.

Những ngư phủ đi trên những chiếc thuyền nhỏ. Họ quăng lưới vào những nơi thấy dấu hiệu có cá đang đi. Lưới với những hòn chì nặng sẽ chụp xuống đàn cá và họ chỉ cần kéo vào bờ.

Một chi tiết đáng chú ý ở đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu. Hình ảnh này gợi cho ta về việc mọi người, bất luận tốt xấu, đều được mời gọi tham dự bàn tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10).

Trong Hội Thánh, cũng có sự pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu, như được ám chỉ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Ở các tỉnh ven hồ Galilê, ta dễ thấy cảnh tượng các ngư phủ ngồi trên bờ, gom cá đánh được trong ngày, giữ lại cá tốt, quăng đi cá xấu. Chỉ khi lưới đầy, họ mới làm công việc lựa cá như vậy (c. 48).

Tương tự như trên, chỉ khi đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện, để tách biệt kẻ xấu ra khỏi người công chính (c. 49).

Như thế tình trạng hiện nay của Hội Thánh vẫn là chưa hoàn hảo. Không phải mọi Kitô hữu đều đã sống tinh thần Bài Giảng trên núi. Có những Kitô hữu không sinh trái, vì hạt giống nhận được đã bị thui chột, bởi thử thách gian nan hay mối lo toan vật chất (Mt 13, 18-22).

Có những Kitô hữu tuy vẫn kêu Đức Giêsu là Lạy Chúa ! (Mt 7, 21-23), vẫn nhân danh Ngài mà nói tiên tri, trừ quỷ hay làm phép lạ, nhưng lại không thi hành ý muốn của Cha trên trời và làm điều gian ác. Có những Kitô hữu dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới (Mt 22, 11-13).

Có những Kitô hữu là muối nhạt, đã trở thành vô dụng (Mt 5, 13).

Như thế gia nhập Hội Thánh không phải là một bảo đảm để được cứu độ. Còn cần sống hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48).

Thời nay chúng ta không thích nghĩ đến những chuyện bị coi là xa xôi, như chuyện tận thế, chuyện Thiên Chúa phán xét và luận phạt.

Chúng ta thích sống yên ổn với một Thiên Chúa nhân hậu vô cùng, đến độ có vẻ như hỏa ngục chỉ là chuyện viển vông để dọa con nít.

Nhưng dù sao cũng không tránh được ngày cỏ lùng bị tách khỏi lúa, cá xấu bị tách khỏi cá tốt, kẻ bất lương bị tách khỏi người lành.

Cuối cùng Nước Trời sẽ không còn chút bóng dáng của sự dữ, và Thiên Chúa sẽ là mọi sự cho mọi người (1 Cr 15, 28).
Sống Lời Chúa:
+  Mong sao, niềm tin vào ngày phán xét, vào đời sau, giúp tôi sống trọn hảo ở cuộc đời này.
+  Mong sao, trong ngày phán xét, thiên đàng sẽ là nơi Chúa đưa tôi đến, nhờ một đời tôi đã gắn bó với Lời Ngài và Luật Ngài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, cuộc đời thường khiếm khuyết, nhưng chúng con lại mong muốn tròn đầy. Chúng con thường dễ dãi với mình nhưng lại khắt khe với tha nhân. Xin giúp chúng con biết khoan dung và kiên nhẫn như Chúa đã từng chậm bất bình và rất mực khoan dung với chúng con. Xin ban cho chúng con một tấm lòng nhân ái để chúng con dám làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa thế giới đầy hận thù hôm nay.
Lẽ sống:
Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.

Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời.

Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống "xin vâng" trong từng phút giây.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Lời Chúa: thứ Tư XVII Thường Niên Năm A. 30.7.2014

PHÚC ÂM:   Mt 13, 44-46
"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
Suy niệm:
1. Mến Chúa Yêu Người. Trong đà phát triển một đất nước hiện đại hoá, mọi thành phố thậm chí cả thôn quê đều cần phải qui hoạch, chỉnh trang… Thế là phải di dời, giải toả. Và thế là có những mảnh đất từ hồi nào đến giờ bỏ hoang không ai thèm ngó, bỗng trở nên “tấc đất tấc vàng”. Và những người đoán trước được giá trị những mảnh đất như thế, không ngại bỏ ra những số tiền lớn để mua lại, vì biết rằng sẽ thu lời gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần trong một thời gian ngắn. Qua dụ ngôn kho tàng chôn giấu trong ruộng (và cả dụ ngôn viên ngọc quí nữa), Chúa Giê-su cho biết Nước Trời còn quí giá gấp bội phần. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta hụt mất “lô đất Nước Trời” đang dành sẵn cho mỗi người chúng ta đó. Điều kiện để sở hữu “lô đất” đó là phải bán đi tất cả những gì là ích kỷ, tham lam, hẹp hòi để sắm cho mình một vốn liếng duy nhất là Mến Chúa Yêu Người. Có như vậy chắc chắc sẽ chiếm hữu được kho tàng.
2. Giàu nhờ con mắt biết nhìn. Ví dụ : sau năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, nhiều người vội bán ruộng đất của mình dùng tiền vượt biên đi ngoại quốc, người còn ở lại mua được với giá rẻ mạt. Hai mươi năm sau, chẳng cần trồng tỉa gì, chỉ trồng cọc xi-măng phân lô bán, đương nhiên trở nên nhà tỷ phú hơn người lập cư ở nước ngoài. Ấy chỉ vì người ở nhà có con mắt nhìn xa thấy rộng ; có khi nhìn một bãi rác, họ biết khai thác phế liệu đem bán, rồi lại cắm cọc chia lô, thì hốt tiền biết chừng nào! Trong khi đó có nhiều kẻ đi qua đống rác chỉ bịt mũi mà chạy cho nhanh, vì không có con mắt kinh tế.
3. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn văn Bình trong dịp các Giám mục Việt Nam họp thường niên tại thủ đô Hà Nội, sau khi đến chào thăm thủ tướng Phạm văn Đồng.
·        Đức cha Bình về nói với các thầy ở Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn năm 1976 như sau : “Tôi nhờ các vị Giám mục nhắc nhở cho giáo dân phải chịu khó mà đọc Kinh Thánh!” Nhất là người Công Giáo đã biết Chúa nói với mình: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15b).
·        Lời này làm ta liên tưởng đến tình bạn giữa Gionathan và Đavid : Gionathan biết được ý thâm độc của vua cha Saolê, nên báo cho Đavid đừng đến dự tiệc của vua, nhờ đó Đavid thoát chết và sau này lên làm vua (x 1Sm 20).
Sống Lời Chúa:
+  Những người biết làm giàu, chắc chắn họ là những người giàu ý chí, cần cù làm việc, cũng như vất vả trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, họ mới có thể đạt tới vinh quang.
+  Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính (Rm 8,10).
+  Có những chọn lựa lớn nhỏ trong đời mình, tôi đều được nhắc nhớ bởi lời Đức Giêsu: Nếu  người ta được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16,26).

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê Lời Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa khi cầu nguyện cũng như lúc làm việc để trong mọi việc con đều làm cho Chúa và vì Chúa mà thôi.
Lẽ sống:
Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một nén đó có thể là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương, của tin tưởng, của lạc quan vui sống...

Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống..

Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Lời Chúa: thứ Ba XVII Thường Niên Năm A. 29.7.2014

PHÚC ÂM:   Mt 13, 36-43
"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".
Suy niệm:
1. Câu chuyện trong đoạn Tin mừng hôm nay xảy ra tại nhà hai chị em Mácta và Maria, khi Đức Giêsu và các môn đệ dừng chân ghé thăm họ. Hai cô với hai cách tiếp đón: Mácta tất bật trong việc chuẩn bị thết đãi Chúa một bữa ăn, còn Maria thì ngồi hầu chuyện, lắng nghe. Cơ sự của câu chuyện là ở lời đề nghị của Matta: “Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Và đây là quan điểm của Đức Giêsu: “Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Tại sao Maria vô tâm ngồi nghe Đức Giêsu, mặc cho người chị với công việc chuẩn bị bữa ăn? Chỉ vì cô muốn nghe “Lời”.

Tại sao Mácta phân bì với em? Chỉ vì cô nóng lòng muốn cũng được ngồi nghe “Lời”.

Tại sao Đức Giêsu trách cứ Mácta về lời đề nghị của cô? Chỉ vì Ngài muốn đề cao “Lời” và những ai nghe “Lời

Hôm nay, dường như Lời Chúa và những giá trị được đề nghị của Tin mừng, trở nên xa lạ trong cuộc sống của nhiều Kitô hữu.
·        Mong sao, đừng có một nghịch cảnh nào khiến tôi hờ hững với việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

·        Mong sao, giữa bao gian khó trong cuộc đời này, tôi vẫn tin Lời Chúa sẽ là đèn soi chân tôi bước, là ánh sáng dẫn đường tôi đi.
2. Gia đình thánh nữ Macta được Chúa Giêsu thương mến một cách đặc biệt và là nơi Người cùng các tông đồ thường lui tới. Macta là chị cả và luôn thể hiện vai trò chủ nhà trong việc tiếp rước Chúa. Lòng yêu mến và sự kính trọng bà dành cho Chúa qua việc dọn bữa thể hiện lòng tin của bà. Lòng tin ấy biểu lộ một cách công khai và mạnh mẽ khi Ladarô qua đời, qua lời thưa: bây giờ con biết, bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy, và nhất là lời xác quyết: Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. Lời tuyên xưng Đức Tin của Macta mạnh mẽ phi thường. Chúa Giêsu đã tưởng thưởng cho Đức Tin của Macta bằng cách cho Ladarô trỗi dậy.
Có thể nói Đức Tin của Macta vừa xác tín vừa được thể hiện bằng việc làm là phục vụ Chúa và các tông đồ. Người tín hữu luôn ý thức thể hiện Đức Tin nhờ tuyên xưng, cử hành, sống và thông truyền.
Sống Lời Chúa:
+  Mỗi khi làm việc gì bạn hãy bắt đầu bằng việc cầu nguyện.
+  Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời  (Cl 3,23).
+  Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4).
+  Người công chính sống bởi Đức Tin (Rm 1,17).

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê Lời Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa khi cầu nguyện cũng như lúc làm việc để trong mọi việc con đều làm cho Chúa và vì Chúa mà thôi.
Lẽ sống:
Một Tiếng Cám Ơn

Trong một bài huấn đức ngắn ngủi trước khi đọc kinh truyền tin, Ðức Gioan Phaolô I, vị Giáo Hoàng của mỉm cười, đã kể một câu chuyện như sau:

Trong một gia đình nọ, một người đàn bà phải lo phục dịch cho một người chồng, một người anh và hai người con trai lớn. Bà phải làm tất cả mọi sự trong nhà: từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ đến quét dọn trong nhà. Một ngày Chúa Nhật nọ, sau một buổi sáng đi dạo ngoài trời trở về, những người đàn ông bỗng nhận thấy có một điều lạ trong nhà, bàn ăn đã được chuẩn bị cho bữa trưa, nhưng thay vì thức ăn, họ chỉ thấy toàn cỏ khô. Mọi người đều nhao nhao phản đối người đàn bà... Chờ cho mọi người im tiếng, người đàn bà mới bình tĩnh giải thích:

"Tất cả thức ăn đều có sẵn rồi, nhưng cho phép tôi được nói một điều. Tôi phải chuẩn bị thức ăn hằng ngày cho các người, tôi phải dọn dẹp trong nhà, tôi phải giặt giũ quần áo cho các người, tôi phải làm mọi sự trong nhà này, nhưng chưa bao giờ các người mở miệng khen lấy một tiếng, hay nói một lời cám ơn... Các người chỉ chực có một thiếu sót của tôi để la ó, phản đối mà thôi".


Vô ơn là thái độ thường xuyên của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta dễ thấy những thiếu sót của người khác đối với chúng ta, nhưng chúng ta lại thiếu nhạy cảm đối với những gì người khác đang làm cho chúng ta. Một chút tế nhị, một chút cảm thông, một lời nói an ủi vỗ về, một tiếng cám ơn, đó là men làm dậy niềm vui trong cuộc sống của chúng ta.

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Lời Chúa: thứ Hai XVII Thường Niên Năm A. 28.7.2014

PHÚC ÂM:   Mt 13, 31-35
"Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian".
Suy niệm:
·        Hạt cải nhỏ bé, nhỏ nhất trong các hạt rau, nhỏ bé không gây ấn tượng, nhưng rồi nó mọc lên thành cây thì lại là thứ rau lớn nhất, đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành. Tương tự như thế, Nước Trời mà Chúa Giêsu thiết lập lúc đầu chỉ với những con người nghèo khó trong xã hội, nhỏ bé như hạt cải, nhưng đã phát triển lớn lên và vươn tận chân trời góc biển, trở thành nơi trú ngụ cho mọi dân tộc trên mặt đất. Sự lớn lên mạnh mẽ của Nước Trời nhờ một sức mạnh nội tại đến từ Thiên Chúa chứ không do những yếu tố con người. Hạt cải Nước Trời sẽ trở thành cây lớn mà không gì có thể ngăn cản. Đó là sự thật thuộc về Thiên Chúa.
·        Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền giáo thời nay quan tâm.
Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ?
Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc sống Tin Mừng?
Làm sao để Kitô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có tính phổ quát, vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã hội?

Đó là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu.
Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này. Với thiện cảm sâu xa đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa, cha Matteo đã đem Tin Mừng đến để bổ sung những truyền thống tốt đẹp. Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nho gia uyên thâm, và chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ tiên.
Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ, Cha là người vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa. Mười năm cuối đời sống ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo, quen biết với nhiều học giả trong triều đình và đưa họ vào Kitô giáo.
Cách truyền giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột.
Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn.
Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm người ăn.
Điều đáng ta để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột.
Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột lớn.
Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay.
Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với bột.
Qui trình lên men đòi hỏi thời gian.

Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột lên men, nở ra. Bấy giờ ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn giấu và tác động của men trong bột. Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi. Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh.

Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời.
Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé, nhưng với thời gian sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành. 
Tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ. Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc, tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào, chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáo trở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn.

Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột. Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu. Nhưng cũng phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng.
Nếu chúng ta chẳng làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon, nếu môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc chẳng có gì tiến bộ, chẳng công bằng hơn, huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn...thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình có còn là thứ men tốt không.
Sống Lời Chúa:
+  Những việc nhỏ, một nghĩa cử thân ái, một lời nói an ủi, khích lệ, một công việc bổn phận hằng ngày được thực hiện cách chu đáo, v.v… những việc nhỏ như thế sẽ không còn là nhỏ nếu như chúng được thực hiện bởi một niềm tin son sắt và một tình yêu nồng nàn dành cho Đức Ki-tô. Những công trình lớn lao sẽ chỉ là trống rỗng nếu thiếu vắng động cơ tiềm tàng này.
+ Chu toàn những công việc bổn phận hằng ngày của bạn với lòng yêu mến Chúa và tha nhân.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa coi trọng đồng tiền nhỏ của bà goá, Chúa nói Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn trẻ thơ. Con xin dâng những công việc nhỏ bé hằng ngày con làm vì yêu mến Chúa, để nhờ đó Chúa cho con được vinh dự góp phần xây dựng Nước Trời.
Lẽ sống:
Những Kỷ Niệm Nhỏ
Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ I, là người rất thận trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.

Lần kia, ông và phu nhân cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại một thành phố thuộc tiểu bang Montana.

Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Nhưng, không hiểu làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia. Một cậu bé tìm cách tặng cho kỳ được lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà em đang cầm trên tay. Cảnh sát cố tình ngăn chận cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy tay em một cách nhiệt tình.

Cậu bé khác cảm thấy buồn hiu vì em không có gì để dâng tặng cho tổng thống. Em cố gắng mò mãi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho tổng thống. Em sung sướng vô cùng, bởi vì chính tổng thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất cả trang trọng.

Năm năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Bà Wilson xếp đặt lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy có một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận ra ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách đây năm năm. Ông quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theo.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật... Một Thiên Chúa giàu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta cho bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh, phục vụ quên mình của chúng ta...

Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng thành của con người. Lần kia, Ngài vào đền thờ và quan sát những người đang dâng cúng tiền của. Ai ai cũng bỏ tiền vào hòm, chợt có một người đàn bà góa chỉ bỏ có một đồng xu nhỏ. Vậy mà Ngài đã tuyên bố: Người đàn bà này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, bởi vì trong khi mọi người bố thí những của dư thừa của mình, còn người đàn bà nghèo này lại dâng cúng tất cả những gì mình có để độ nhật...

Thiên Chúa luôn trân trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng Ngài. Những lễ vật càng đơn sơ, nhỏ bé dưới mắt người đời, càng có giá trị trước mặt Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên mình từng ngày, của những việc làm vô danh...

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Lời Chúa: Chúa Nhật XVII TN - năm A. 27.7.2014

PHÚC ÂM:   Mt 13, 44-46 hoặc 44-52
"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".
 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa rằng: "Có".
Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình".
Suy niệm:
Kho báu trong ruộng, viên ngọc quý và chiếc lưới bắt cá, những hình ảnh rất bình dị và gần gũi với đời thường của xứ sở Palestina được Chúa Giêsu sử dụng để truyền đạt giáo huấn của Người về Nước Trời.
·        Kho báu ẩn dấu và viên ngọc quý
Sống là một hành trình tìm kiếm và chọn lựa liên lỉ. Tìm kiếm chân thiện mỹ, chọn lựa tốt xấu, lành dữ.
Trong tác phẩm nổi tiếng "la Pensées", Pascal (triết gia Công Giáo Pháp) cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng. Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất hay con người: nó đề cao những ai giàu có, những ai có sức khoẻ hay dung nhan xinh đẹp. Bậc này có một giá trị không thể xem thường, nhưng nó chỉ ở cấp thứ nhất.
Bậc thứ hai cao trọng hơn là bậc của tài năng siêu việt mà các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các nhà thơ nắm giữ. Đây là một bậc có một phẩm chất khác. Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm không bớt điều gì từ những thiên tài. Trước họ chúng ta phải ngưỡng mộ, nhưng nó chưa phải là bậc cao nhất.
Còn có một thứ bậc cao hơn, đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng. Gounod cho rằng: "Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng".
Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm hay bớt đi điều gì khỏi một người thánh thiện, một vị thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác, vượt trên cả hai bậc kia. Điều này rất phù hợp với quan niệm của người Việt Nam: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (Nguyễn Du, Truyện Kiều).
Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này, bởi lẽ cốt lõi của Đạo chúng ta là Tình Yêu, và mời gọi đạt tới sự Thánh Thiện. Hay nói đúng hơn, những ai đã được rửa tội, là kitô hữu đều được mời gọi sống cho Tình Yêu và sự Thánh Thiện này, ngay trong chính đời sống của mình.
Lời Chúa hôm nay cũng nói tới sự cao cả và lời mời gọi này: Vua Salômon trong bài đọc I không xin Chúa cho được giàu có, sống lâu, nhưng ông chỉ xin cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa và phân biệt lành dữ. Điều ông xin đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông được khôn ngoan và có tất cả.
Dụ ngôn "kho báu giấu ở thửa ruộng" và "viên ngọc quí" diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. "Kho báu" và 'viên ngọc quý" ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu.
Không có gì đẹp hơn, bởi được tìm biết Đức Kitô, có Ngài chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta "những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh", trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô.
Khủng hoảng lớn nhất của con người hôm nay là khủng hoảng về các giá trị, các bậc sống bị đảo lộn. Tiền bạc lên ngôi, trở thành tiên, thành phật; sự thánh thiện và tình yêu trở thành một thứ secondhand, "hàng ế"! Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống.
Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nói rất chính xác rằng: "Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng" (Bài giảng ở Sydney 2008).
Nếu cuộc sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không được tìm kiếm và quy chiếu như sự thiện tuyệt đối, như là mục đích tối hậu của đời người, thì chúng ta sẽ bị vong thân, cuộc sống đánh mất nền tảng căn bản.
Như hai người trong Tin Mừng tìm kiếm kho báu và viên ngọc quí, tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa như là kho báu, là viên ngọc quí, là mục đích tối hậu trong cuộc đời mình. Trong gia đình, chúng ta đừng đánh giá nhau chỉ dựa trên tiền bạc của cải.
Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ rằng, tình dục là tất cả để tìm kiếm, để hưởng thụ. Có một sự bận tâm cao hơn đó là "tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời"; có những giá trị còn lơn lao hơn, đó là hãy sống thánh thiện và tìm kiếm Thiên Chúa là chân thiện mỹ của đời ta.

·        Gia đình vun trồng các nhân đức
Lạy Chúa Giêsu, Thánh Thể Chúa là suối nguồn yêu thương, chúng con đến với Chúa để kín múc tình yêu mang cho đời chúng con niềm hạnh phúc; Tin Mừng Chúa là kho báu chứa đựng hồng ân cứu độ, chúng con đến bên Chúa để đón nhận Lời ban sự sống. Xin Chúa giúp cho chúng con ngày càng khám phá được thêm những viên ngọc quý trong Tin Mừng, những viên ngọc sẽ mãi làm thăng tiến đời sống gia đình chúng con.

ü “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy”.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống chúng con là cuộc tìm kiếm triền miên, vừa kiếm của cải vật chất, đồng thời cũng muốn đi tìm những gì là cao quý trong lãnh vực tinh thần. Tuy nhiên, chúng con hay nghiêng về phía vật chất, dành nỗ lực cho việc học hành và thành đạt trong xã hội, hơn là quan tâm trau giồi nhân đức và phẩm cách tốt đẹp của bản thân và gia đình. Xin Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng con biết chọn lựa giữa Nước Trời và trần thế, giữa giá trị tinh thần và của cải vật chất.

Lạy Chúa, giá trị đích thực của chúng con không tính theo khối lượng tài sản, nhưng trước tiên phải dựa vào các nhân đức và tư cách tốt lành. Giàu mà bất lương, chắc chắn không thể được quý trọng bằng con người lương thiện, đạo đức. Xin cho chúng con biết điểm tô cuộc đời chúng con, không phải bằng những trang sức vật chất, nhưng bằng những viên ngọc quý tìm được từ trong Tin Mừng của Chúa.        
                                           
ü “Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy”.

Lạy Chúa Giêsu, đến với Chúa, chúng con đã tìm thấy kho báu và viên ngọc Nước Trời. Kho tàng này, ngọc quý này đang được trao phó cho gia đình chúng con giữ gìn, bảo vệ và làm cho phong phú, tốt đẹp hơn, đó là kho tàng đức tin, viên ngọc đức ái. Đây quả thật là những bảo vật vô giá, chúng con phải cẩn mật giữ gìn và phát huy, bằng cách làm gia đình trở nên mảnh đất màu mỡ để ươm trồng và vun tưới các nhân đức và những đức tính tốt cho mọi thành viên trong nhà, ở mọi lứa tuổi.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã thấy rõ, chính tội lỗi là nguyên nhân hủy hoại niềm tin, rõ ràng những thói hư tật xấu là trở ngại làm mất đi bao ơn phúc, và nếp sống buông thả theo những lôi cuốn trần thế luôn đẩy con người rời xa Thiên Chúa. Chúng con biết gia đình chúng con vẫn chưa thực sự sống tốt lành như lòng Chúa mong muốn, xin Chúa ban ơn trợ giúp cho chúng con luôn biết nhắc nhở, khích lệ, giúp nhau vun trồng các nhân đức, giữ chúng con sống mãi trong tình yêu và ân sủng Chúa.
Sống Lời Chúa:
+ Trong cuộc sống vẫn có những người lại khôn ngoan theo kiểu thế gian, tức là sự mánh lới lọc lừa. Có nhiều người “khôn lỏi” chỉ nhằm tới lợi lộc ích kỷ mà làm tổn hại tới tha nhân. Lấy gì làm tiêu chuẩn cho sự khôn ngoan giả và sự khôn ngoan thật? Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Người bằng hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển để bắt cá. Người muốn nói với họ: các bạn đừng lo và đừng nản chí trước tình trạng có nhiều người kiêu ngạo và gian ác mà vẫn nhởn nhơ. Người tốt và người xấu sẽ có lúc được phân biệt. Lịch sử này sẽ kết thúc như một mẻ lưới mà tất cả các loại cá tốt xấu đều phải vào lưới đó. Lúc bấy giờ, các thiên sứ theo lệnh của Chúa mà chọn lọc. Xấu tốt sẽ được phân biệt rõ ràng. Lành dữ sẽ được xét xử công minh, vì Chúa là Đấng thẩm phán tối cao của lịch sử.
+ Nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã chọn Chúa là lẽ sống và là gia nghiệp của đời mình. Sự chọn lựa này không chỉ dừng lại ở ngôn từ phát biểu, cũng không phải chỉ được thực hiện lúc lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, nhưng phải được minh chứng qua đời sống mỗi ngày của chúng ta, thể hiện qua lời nói, tư tưởng và hành động.
+ Đức tin là viên ngọc quý, là kho tàng mà chúng ta phải đánh đổi bằng biết bao cố gắng nỗ lực để giữ gìn. Chúng ta hãy dành cho Ngài một vị trí ưu tiên trong đời chúng ta, vì một khi có Chúa trong trái tim và tâm hồn, chúng ta sẽ được Chúa ban mọi điều cần thiết cho cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin và muôn vàn ơn lành hồn xác Chúa đã ban cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với tình yêu thương của Chúa. Xin Chúa gìn giữ những nhân đức và tính tốt chúng con đang có, xin giúp chúng con chừa bỏ, sửa đổi tật xấu, xin ban cho chúng con sức mạnh kiên trì, để quyết tâm vun trồng và gia tăng nhiều hơn nữa những phẩm cách tốt đẹp cho bản thân và cho gia đình chúng con.