Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Lời Chúa: Thứ Tư 02.03.2016 Tuần III Mùa Chay – Năm C

PHÚC ÂM: Mt 5,17-19
"Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời". (Mt 5,19)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-theu.
17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.  19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Suy niệm:
Tuân giữ Lời Chúa

Thiên Chúa là Đấng duy nhất, Lời Chúa đã phán ra: “Một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,11).Luật của Thiên Chúa là một. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói cho chúng ta biết: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Giúp cho chúng ta luôn vững tin vào Luật, mà giữ Luật Chúa cho trọn. Mười điều răn của Thiên Chúa chỉ cho chúng ta biết đâu là hành động xấu, cần phải tránh, phải từ bỏ. Tất cả chúng ta đang cảm nghiệm: Trên con đường sống của mỗi người đều đang bước đi như là một cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, để được sống và sống hạnh phúc đời đời cùng Thiên Chúa; hay phải chết đời đời.
Các Bài Đọc hôm nay là những ví dụ của tiến trình trở nên hoàn hảo.Trong Bài Đọc I, khi thánh Phaolô bị chất vấn bởi những người Do-thái thủ cựu, Ngài so sánh cho họ thấy sự hoàn hảo của giao ước mới trên giao ước cũ, và kết luận: vì giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ; nên vinh quang có được do việc phục vụ giao ước mới cũng lớn hơn vinh quang có được do việc phục vụ giao ước cũ. Trong Phúc Âm, khi nhiều người thuộc phái Pharisees nghĩ Chúa Giêsu đến để dạy dân chúng phá bỏ Lề Luật, nên Ngài tuyên bố: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn."
Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật: Nhiều Kinh sư nghĩ, khi Chúa Giêsu chỉ trích họ về việc rửa tay và giữ ngày Sabbath, là Ngài muốn hủy bỏ tất cả Lề Luật và truyền thống của tổ tiên. Thực ra, Ngài chỉ phê bình thói giả hình và khinh thường Lề Luật của họ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều này với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành." Sự quan trọng của Lề Luật: Khi nói "giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ," cả Chúa Giêsu và thánh Phaolô không bao giờ có ý muốn nói Lề Luật Thiên Chúa ban qua Moses trở thành vô hiệu. Các tín hữu vẫn phải giữ Lề Luật của Thiên Chúa như Chúa Giêsu dạy: "Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời."

Sống Lời Chúa:
Người khôn ngoan là người phải biết suy xét và so sánh cẩn thận, để nhận ra những gì của quá khứ là tốt cần giữ lại, những gì là xấu cần bỏ đi; đồng thời biết nhận ra những cái hay đẹp của hiện tại để học hỏi và áp dụng.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tuân giữ và vui sống với Luật Chúa. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng con sẽ có đời sống kính Chúa yêu người hơn, hầu đem lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Lẽ sống:
Bàn thờ cho người nô lệ

Du khách đến viếng thăm nước Tanzania bên Châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar.
Bước vào nhà thờ, người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người nô lệ".
Ngôi thánh đường này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán, người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.
Cột trụ ở ngay lối vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này. Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.
Cũng như một đan viện dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải có đối với tha nhân.
Cuộc sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả: đó là cái chết của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét