Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Lời Chúa: Thứ Ba 16.02.2016 Tuần I Mùa Chay – Năm Chẵn.

PHÚC ÂM: Mt 6,7-15
"Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này". (Mt 6,45)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu.
7 "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :
            "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
            xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10         triều đại Cha mau đến,
            ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11         Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
12         xin tha tội cho chúng con,
            như chúng con cũng tha
            cho những người có lỗi với chúng con ;
13         xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
            nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
14 "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

Suy niệm:
Cầu nguyện

Có một nông dân xứ Ars mỗi ngày trước khi ra đồng cũng như khi đi làm về đều ghé vào nhà thờ giây lát. Trong xứ, nhiều người để ý và kính phục. Một hôm có người hỏi: “Ngày này ông ghé vào nhà thờ làm gì thế”. Người nông dân trả lời: “Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.
Câu trả lời của người nông dân trên đây diễn ta được cái cốt lõi của đời sống Kitô hữu, đó là việc cầu nguyện. Tác giả tập sách Đường Hy vọng chia sẻ kinh nghiệm: “Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa, máy móc tự động có thể làm hơn con. Cầu nguyện là nền tảng đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con kết hiệp với Thiên Chúa, như một bóng điện sáng là nhờ kết hiệp với máy phát điện. Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô là phải cầu nguyện.”
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, qua đó Ngài nêu bật thái độ phải có khi cầu nguyện: Trước hết là tinh thần đơn sơ khiêm tốn, gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng. Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của con tim, chứ không phải là của khối óc. Thứ đến là tinh thần quảng đại tha thứ cho kẻ xúc phạm đến chúng ta. Đó là điều đương nhiên, vì thân phận của con người là yếu đuối, tội lỗi, và mọi người đều mắc nợ nhau trong đức bác ái của lời nói, việc làm, cách suy nghĩ, cho dù chúng ta vẫn giữ được đức công bằng.
Thật ra, như lời thánh Phaolô: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn tả. Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được kết hiệp với Đức Kitô và được lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Thánh Thần để phát triển đời sống cầu nguyện, nhờ đó canh tân chính mình và môi trường sống.

Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm trong khi cầu nguyện.  Chúng ta hãy dốc quyết không bao giờ bỏ đọc Kinh quan trọng và hiệu nghiệm này trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con không biết cầu nguyện thế nào cho phải nhưng chúng con tin rằng chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng con bằng những tiếng rên khôn tả. Xin cho chúng con ý thức rằng, qua Bí tích rửa tội, chúng con được kết hiệp với Đức Kitô và được lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Xin ban cho chúng con sống trong Thánh Thần để phát triển đời sống cầu nguyện, nhờ đó chúng con canh tân chính mình và môi trường sống.

Lẽ sống:
Ngọn nến cháy sáng

Nữ sĩ người Thụy Ðiển được giải Nobel văn chương là bà Selma Lagerloeff có kể một câu chuyện như sau: Có một kỵ mã nọ, sau khi đã tham dự một trận thánh chiến thành công tại Thánh Ðịa, đã làm một lời thề. Anh muốn đốt lên một ngọn nến ngay từ trên mộ của Chúa Giêsu và mang ánh sáng ấy về quê hương của anh là thành phố Fireheze bên Italia.
Quyết định ấy đa biến anh thành một con người mới hoàn toàn. Từ một quân nhân hung hãn chuyên cầm gươm giết người, nay người kỵ mã đã trở thành một con người hiền hòa, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ thiệt thòi.
Trên đường trở về quê hương, cầm ngọn nến cháy sáng trong tay, người kỵ mã gặp không biết bao nhiêu kẻ cướp bóc, nhưng anh không hề động đến chiếc gươm đang mang trong người. Anh hứa trao cho họ bất cứ điều gì họ muốn, miễn là để cho anh được phép giữ lại ngọn nến đang cháy sáng trong tay. Quân cướp lột hết tất cả những gì anh có, kể cả chiến bào và con ngựa quý của anh. Họ cho anh một con ngựa già để đi từng bước cầm chừng. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu thử thách, giờ này, người kỵ mã cảm thấy thảnh thơi hơn bao giờ hết. Anh cảm thấy thơ thới vì đã trút được bỏ những của cải không cần thiết, nhưng anh vui mừng hơn cả vì vẫn còn giữ được ngọn nến cháy sáng đã được thắp lên từ trên mồ của Chúa. Khi anh về đến giữa phố, nhiều người nhìn anh như kẻ khờ dại. Họ chế nhạo và tìm đủ cách để dập tắt ngọn nến trên tay anh. Nhưng người kỵ mã thà chết còn hơn là để cho ngọn nến tắt ngụm trên tay mình. Và cuối cùng, anh đã mang được ngọn nến cháy sáng về đến nhà thờ chính tòa của quê hương anh. Anh dùng ánh sáng từ ngọn nến ấy đốt lên tất cả những ngọn nến trên bàn thờ.
Trước anh, nhiều người cũng đã cố gắng làm một lời thề như thế. Nhưng dọc đường, vì nhiều lý do khác nhau, ngọn nến đã tắt ngụm. Ðược hỏi: Ðâu là bí quyết giúp anh thành công như thế. Người kỵ mã trả lời như sau: "Tôi đặt tất cả chú tâm vào ngọn nến. Tôi sẵn sàng bỏ hết tất cả mọi sự để bảo vệ ngọn nến ấy".
Cuộc đời của người tín hữu Kitô chúng ta vẫn thường được định nghĩa như một cuộc hành trình, một cuộc hành trình trong đó mỗi người chúng ta cầm cháy sáng trong ngọn nến của Ðức Tin. Bao lâu ngọn nến còn cháy sáng, bấy lâu chúng ta còn tiến bước. Sóng gió, tăm tối trong cuộc hành trình là chuyện không thể tránh được. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục giữ cho ngọn nến cháy sáng, chúng ta vẫn có thể tiến bước.
Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Chúng con là ánh sáng thế gian". Ước mơ duy nhất của người kỵ mã trong câu chuyện trên đây là được dùng ngọn nến đốt lên từ mồ Chúa để thắp sáng lên ngọn đèn trong nhà thờ. Ðó cũng phải là ước mơ của mỗi người chúng ta. Ánh sáng được trao ban cho chúng ta là để được truyền sang cho những ngọn đèn khác. Có biết bao nhiêu ngọn đèn đang chờ đợi một chút ánh sáng từ ngọn nến của chúng ta để được cháy lên?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét