Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Lời Chúa: Thứ Sáu 20.05.2016 TUẦN VII THƯỜNG NIÊN – Năm C

Thánh Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục

PHÚC ÂM: Mc 10,1-12
“Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10,6-8)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co
1 Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. 2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ?" Họ hỏi thế là để thử Người. 3 Người đáp : " Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì ?" 4 Họ trả lời : "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." 5 Đức Giê-su nói với họ : "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." 10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói : "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình ; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

Suy niệm:
Nên một trong tình yêu

Hôm nay, Đức Giêsu nhắc ta hai điều:
1. Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người!).
2. Hai người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn cả trong lý tưởng, trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình... Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời.

Sống Lời Chúa:
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly”. (Mc. 10, 2. 9)
Sự trung thành trong hôn nhân được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo Hội. Bí quyết của việc sống chung thủy, đó là sự tha thứ. Cần cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa cho mình, thì chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau và cùng nhau vượt qua thử thách để sống sự chung thủy trong đời sống hôn nhân.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết yêu mến luật của Chúa và trung thành với giao ước mà chúng con đã ký kết với Ngài.

Lẽ sống:
Kẻ Ăn Cắp Một Ổ Bánh Mì

Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: "Gia đình tôi đang chết đói".
Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: "Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la". Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho người đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: "Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền vả trao tất cả cho ông lão.
Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.
Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1991, Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy ngẫm về bài dụ ngôn người giàu có và Lazarô.
Mới nghe qua, chúng ta có cảm tưởng người giàu có trong bài dụ ngôn đã không làm điều gian ác nào để đến độ phải bị trầm luân. Chúa Giêsu đã không nói: ông đã trộm cướp, hay biển lận hoặc gian xảo trong việc làm ăn. Ngài cũng không kết án việc ông ngày ngày yến tiệc linh đình.
Vậy thì đâu là tội của người phú hộ? Thưa đó là tội dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện ngày qua ngày của một người khốn khổ trước cửa nhà ông để cho chúng ta thấy sự đang tâm làm ngơ của người giàu có... Máu chảy, ruột mềm. Trước cảnh khốn khổ của người đồng loại, mà người giàu có ấy vẫn không biểu lộ một chút xúc động hoặc làm như không nhìn thấy, thì quả thật không gì đáng trách bằng, bởi vì người giàu có đã làm cho trái tim của mình khô cứng.
Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là một thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và của thị dân của ông đối với lão ông ăn cắp bánh mì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét