Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Lời Chúa: Thứ Năm 02.06.2016 TUẦN IX THƯỜNG NIÊN – Năm C

Thánh Mác-se-li-nô Phê-rô, tử đạo

PHÚC ÂM: Mc 12,28b-34
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình.” (Mc 12,33)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co
28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi : "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?" 29 Đức Giê-su trả lời : "Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : <MI>Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ." 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Suy niệm:
Mến Chúa yêu người

Tin Mừng thuật lại: có một Luật Sĩ đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa thầy, trong các giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?”. Đức Giêsu đã thấy được lòng tốt và nhất là sự khao khát của ông ta, nên Ngài đã mạc khải cho ông Luật Sĩ này ngay tức khắc khi nói cho ông biết về giới luật quan trọng nhất chính là: yêu mến Thiên Chúa trên hết và yêu thương người thân cận như chính mình.
Phản ứng của Luật Sĩ này là hết sức thán phục những lời dạy khôn ngoan của Đức Giêsu. Thật vậy, vì lòng chân thành đi tìm kiếm chân lý, lẽ sống, nên Đức Giêsu đã khen ngợi ông và nói cho ông biết: ông không còn xa Nước Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta bị kinh tế thị trường làm cho đời sống đức tin bị chao đảo. Nhiều khi chúng ta đặt bậc thang giá trị của mình dựa trên tiền bạc, chức quyền, danh vọng... Vì thế, đã biết bao lần chúng ta rơi vào tình trạng lập lờ, bắt cá hai tay, chỉ còn biết cái lợi trước mắt mà không hề nghĩ đến cuộc sống đời sau. Giới răn mến Chúa, yêu người là cái gì đó không được chúng ta quan tâm nếu không muốn nói là coi thường!

Sống Lời Chúa:
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cật vấn lương tâm chúng ta về những chọn lựa bấy lâu nay! Đồng thời, mời gọi chúng ta hãy yêu mến và trung thành giữ Luật Chúa thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Mặt khác, khi giữ luật Chúa, chúng ta có một cuộc sống bình an, thanh thản và luôn biết yêu thương, tôn trọng nhau để cùng nhau xây dựng Nước Chúa.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đặt lại bậc thang giá trị của cuộc đời, luôn biết tìm ý Chúa và giữ giới răn Chúa cho trọn.

Lẽ sống:
Nguồn gốc của sa mạc

Người Ả Rập giải thích nguồn gốc của sa mạc bằng câu chuyện ngụ ngôn như sau:
"Thiên Chúa đang sáng tạo vũ trụ. Sau khi đã hoàn tất tinh tú, trái đất, biển khơi, sông ngòi, Thiên Chúa bắt tay vào việc tạo dựng con người. Ngài nặn được những thân hình thật đẹp, nhưng đó chỉ là những pho tượng, vì chưa có linh hồn".
Lúc bấy giờ, một tổng lãnh thiên thần mới đề nghị với Thiên Chúa là cần phải tạo dựng linh hồn cho con người. Thế là Thiên Chúa miệt mài giam mình trong phòng thí nghiệm để tác tạo linh hồn cho con người. Các linh hồn vừa mới ra lò còn rất mảnh khảnh và yếu ớt.
Ngài mang các linh hồn tươi tắn ấy xuống trần gian và phân phát cho loài người. Nhưng rủi thay, hôm đó trời đổ mưa, cho nên một số linh hồn chưa đủ cứng cáp đã biến dạng.
Một ngày nọ, một trong những người đã lãnh nhận được linh hồn méo mó, đã buột miệng nói ra một lời dối trá. Tuy chỉ là một lời dối trá không đáng kể, nhưng đó là một lời dối trá đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người.
Thiên Chúa vô cùng hối hận vì đã không ngăn ngừa được sự dối trá ấy. ngài bèn tập trung loài người lại và tuyên bố: "Từ nay, đừng có một người nào phạm thêm một điều dối trá nữa. Nếu không, cứ mỗi lần có một lời dối trá, ta sẽ cho rơi xuống mặt đất một hạt cát".
Nhiều người nghe lời đe dọa của Thiên Chúa, cười thầm trong lòng. Một hạt cát có đáng kể là bao sánh với màu xanh trùng trùng điệp điệp của cây cỏ. Thành ra, loài người đã không đếm xỉa đến lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Người thứ hai thêm một lời nói láo mà vẫn đinh ninh đó chỉ là một lời không đáng kể, cũng như thêm một hạt cát trên trái đất cũng không thay đổi được bộ mặt của nó. Cứ thế, người thứ ba, rồi người thứ tư... Người ta nói dối đến độ Thiên Chúa không còn đủ sức để cho cát rơi xuống trên mặt đất nữa... Ngài đành phải dùng đến bàn tay của các thiên thần để cho mưa cát xuống... Không mấy chốc, những đồng cỏ xanh tươi, những vườn cây um tùm biến thành sa mạc khô cằn. Thỉnh thoảng một vài ốc đảo xanh tươi mọc lên, đó là dấu hiệu sự hiện diện của một vài người còn biết tôn trọng sự thật. Nhưng dần dà, ôn dịch dối trá lan tràn khắp nơi, trái đất chỉ còn là một bãi sa mạc.
Tất cả những ai sống trong một xã hội xây dựng trên dối trá, lừa đảo, đố kỵ lẫn nhau đều biểu hiện được thế nào là sa mạc của tình người.
Sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết:
chết của tình người,
chết của lòng tin tưởng lẫn nhau,
chết của hy sinh phục vụ,
chết của lòng quảng đại.
Tựu trung, dối trá cũng là tên gọi của ích kỷ.
Người dối trá là người chỉ biết sống cho mình.
Nếu ơn gọi của con người, nếu sự thật của con người là sống yêu thương, sống cho người, thì kẻ dối trá là người chối bỏ chính mình.
Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ dối trá.
Ngài nói: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra". Kẻ dối trá, do đó, tự đặt mình dưới quyền thống trị và điều khiển của ma quỷ.
Mỗi một thái độ dối trá là một hạt cát rơi xuống trên sa mạc của tình người.
Nhưng mỗi một hành động của quảng đại, của yêu thương, của phục vụ là một ốc đảo xanh tươi của Chân lý, đó là Chân lý của tình yêu.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Lời Chúa: Thứ Tư 01.06.2016 TUẦN IX THƯỜNG NIÊN – Năm C

Thánh Giút-ti-nô, tử đạo

PHÚC ÂM: Mc 12,18-27
“Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.” (Mc 12, 26-27)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co
18 Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người : 19 "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng : "Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình." 20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. 21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ." 
24 Đức Giê-su nói : "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao ? 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao ? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào ? Người phán : Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to !"

Suy niệm:
Có sự sống lại

Tin Mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và nhóm người Sađốc. Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quí tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn xâm lược. Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Ðối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có trong năm cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng hạn việc kẻ chết sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề này.
Thật thế, dựa vào niềm tin mà họ cho là đúng đắn, những người Sađốc bắt đầu hỏi Chúa Giêsu bằng bộ luật Môsê, theo đó khi người chồng chết, nếu người vợ anh ta chưa có con, thì người anh (hoặc em) chồng phải cưới bà này để nối dõi tông đường.
Họ đặt ra trường hợp một người đàn bà có bảy đời chồng, vào lúc sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy người anh em vì tất cả đã lấy bà làm vợ? Những người Sađốc hỏi thế, không phải vì thành tâm tìm kiếm để sống theo sự thật, mà chỉ để đùa giỡn với sự thật mà thôi.
Chúa Giêsu biết rõ họ ngoan cố và cố ý thử thách Ngài, nhưng Ngài vẫn điềm tĩnh và chỉ cho họ thấy sự dốt nát lầm lẫn của họ: Thứ nhất, họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh và quyền năng của Thiên Chúa; thứ hai, hoàn cảnh con người sau khi sống lại hoàn toàn thay đổi, không giống như lúc còn sống ở trần gian này. Chúa Giêsu nói rõ có sự sống lại, nhưng sở dĩ họ không tin là vì họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh. Thật thế, trong sách Môsê, đoạn nói về bụi gai, Thiên Chúa phán: "Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Yacob", Ngài không là Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa đã phán một lời liền có mọi sự, chẳng lẽ Ngài không thể làm cho kẻ chết sống lại sao? Sự sống và sự chết đều do Thiên Chúa, vì thế sự sống lại cũng thuộc về Thiên Chúa. Lại nữa, khi sống lại từ cõi chết, thân xác con người được biến đổi hoàn toàn, nó sẽ giống như các thiên thần, giống như Chúa Kitô Phục Sinh, nên không còn phải chết và cũng chẳng phải dựng vợ gả chồng nữa.
Từ khi Chúa Giêsu mạc khải về sự thật này, biết bao người đã tin vào Thiên Chúa và đã sống trọn vẹn với niềm tin đó; biết bao người đã can đảm sống sự thật được mạc khải, dù phải hy sinh mạng sống, dù phải từ bỏ mọi danh lợi trần gian. Ðó là gương của những vị anh hùng tử đạo qua bao thế hệ nơi các dân tộc.
Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí chúng ta hiểu biết và mộ mến Lời Chúa dạy trong sách Kinh Thánh, để chúng ta am tường các mầu nhiệm của Chúa và thực thi thánh ý Chúa. Xin cho chúng ta trân trọng sự sống, trau dồi cuộc sống tại thế tốt đẹp để được sống đời đời với Chúa.

Sống Lời Chúa:
Niềm tin vào sự sống lại và cuộc sống đời sau là chân lý căn bản của đức tin Kitô Giáo. Niềm tin này đã từng được mặc khải cách tiềm ẩn trong Cựu Ước, nhưng đã được mặc khải cách minh bạch và rõ ràng bởi Chúa Giêsu và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

Cầu nguyện:
Xin Chúa cho con luôn tìm đến với Chúa trong đời sống cầu nguyện, vì Chúa luôn ở bên con, chứ không phải cố gắng chịu đựng để đời sau mới được gặp Chúa. Xin cho con ý thức Chúa luôn ở bên con, vì “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là Thiên Chúa của kẻ chết”.

Lẽ sống:
Con người khờ khạo

Một cuốn phim Pháp với tựa đề "Gigot", đã kể lại cuộc đời cao thượng nhưng vô cùng đáng thương của một người câm tên là Gigot. Ðúng như cái tên có thể gợi lên, Gigot là một người khờ khạo nhưng có một tâm hồn cao quí. Ngày ngày anh quét đường, kiếm từng đồng xu nhỏ để mua những mẩu bánh mì vụn sống qua ngày. Nơi trú ngụ của anh là một cầu thang bẩn thỉu nằm bên dưới một ngôi nhà. Những người bạn duy nhất của anh là các chú chó và một con mèo hoang. Hằng ngày, từ tiệm bánh mì đi ra, anh đều mang theo thức ăn cho chúng. Anh đi đâu, chúng quấn quít bên người đến đó... Những con thú thương anh như một người bạn, nhưng những người đồng bào của anh chỉ nhìn anh như trò đùa. Mỗi khi cần có một trận cười, người ta gọi Gigot đến cho anh uống rượu để anh có thể nhảy múa trong cơn say và làm trò hề cho họ.
Một đêm nọ, sau khi say túy lúy và làm đủ trò hề cho thiên hạ cười, Gigot đi ngã ngiêng về nhà giữa cơn mưa. Anh bắt gặp một người đàn bà và một đứa con gái nhỏ đang nằm co ro trong góc hè phố, mình mẩy ướt như chuột lột. Anh dìu hai mẹ con người đàn bà về nhà mình và dọn chỗ cho họ qua đêm. Trong những ngày kế tiếp, anh tìm đủ mọi cách để làm cho người đàn bà được hạnh phúc và cô bé được vui cười. Anh đưa cô bé đến nhà thờ và dùng thứ ngôn ngữ câm của mình để nói với nó về Chúa Giêsu... Một hôm, người mẹ muốn đi nơi khác vì không chịu nổi cảnh thiếu thốn trong căn nhà của anh. Người câm không biết làm gì hơn là đành phải đến hiệu bánh mì quen để đánh cắp một số tiền. Với số tiền ấy, anh có thể sắm sửa tươm tất cho hai mẹ con người đàn bà...
Thế nhưng, một hôm, khi thức giấc, anh không còn thấy người đàn bà trong căn gác của mình nữa. Anh đưa cô bé vào sâu trong cầu thang và làm trò đùa cho nó cười. Vô tình, căn gác đổ nát sụp xuống trên anh và đứa bé. Anh vừa mang đứa bé đến nhà thờ để xin cha sở chạy chữa, thì người ta cũng phát giác ra sự mất tích của nó... Người ta tri hô lên anh là thủ phạm bắt cóc đứa bé. Cuộc săn đuổi đã làm anh trượt té xuống một dòng sông... Một chiếc phà chạy qua. Chiếc mũ của anh trồi lên. Mọi người tưởng rằng anh đã chết chìm giữa dòng sông... Sự cảm thông và thương tiếc bỗng bừng dậy, người ta lấy chiếc mũ của anh, đặt lên một chiếc quan tài và cử hành nghi lễ tống táng. Người người sụt sùi khóc. Bao nhiêu bài điếu văn được đọc lên để ôn lại tấm lòng cao thượng của người quá cố... Nhưng từ một chòm cây trong nghĩa địa, Gigot lắng nghe tất cả, anh bật thành tiếng khóc, khóc vì sự cảm thông quá muộn màng của người đồng loại, mà có lẽ cũng khóc khi nghĩ đến thân phận của anh.
Hôm nay chúng ta bước vào tháng dành riêng để tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu.... Có riêng một tháng để nhắc nhớ cho con người về Tình Yêu của Thiên Chúa, bởi lẽ con người không hiểu mà cũng dễ quên tình yêu của Thiên Chúa...
Thiên Chúa cũng giống như một người tình câm. Ngài làm mọi sự và tìm đủ mọi cách để cho con người hiểu được Tình Yêu của Ngài. Không còn ngôn ngữ nào nữa, Thiên Chúa đành phải dùng chính cái chết, bởi lẽ không có tình yêu nào trọng đại cho bằng mối tình của người chết vì người mình yêu...
"Chúng sẽ nhìn xem Ðấng chúng sẽ đâm thâu qua". Qua cái chết của Ðức Kitô trên thập giá, con người mới có thể thấy được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình. Cái chết là ngôn ngữ cuối cùng của Tình Yêu. Mối tình câm lặng nhất đã được bày tỏ..

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Lời Chúa: Thứ Ba 31.05.2016 TUẦN IX THƯỜNG NIÊN – Năm C

Đức Ma-ri-a thăm viếng bà Ê-li-sa-bét
Ngày lễ này đã được Đức Urban VI thiết lập vào năm 1389, vào khoảng thời gian giữa lễ Truyền Tin và lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, phù hợp với những chi tiết Phúc Âm. Ngày lễ hôm nay ghi nhớ việc Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Elizabeth, lúc ấy đã cao niên và đang có thai. Mẹ đến để chia sẻ niềm vui về những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai chị em. Ngày lễ này - nhằm ngày kết thúc tháng Năm kính Mẹ – cho chúng ta thấy tinh thần chiêm niệm, sự phục vụ, và đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ, dạy chúng ta biết mỗi khi đi đâu, chúng ta cũng phải theo gương Mẹ Maria, trở nên một nguồn vui cho toàn thể nhân loại. Lễ này tràn ngập niềm vui của bài thánh ca “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”.

PHÚC ÂM: Lc 1,39-56
Bà Ê-li-sa-bét nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ… Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”… Đức Ma-ri-a nói: “…Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1,42.43.48)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng : "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."  
46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :
            "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47         thần trí tôi hớn hở vui mừng
            vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48         Phận nữ tỳ hèn mọn,
            Người đoái thương nhìn tới;
            từ nay, hết mọi đời
            sẽ khen tôi diễm phúc.
49         Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
            biết bao điều cao cả,
            danh Người thật chí thánh chí tôn !
50         Đời nọ tới đời kia,
            Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51         Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
            dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52         Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
            Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53         Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
            người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54         Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55         như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
            vì Người nhớ lại lòng thương xót
            dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
            và cho con cháu đến muôn đời."
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Suy niệm:
Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa.
Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi già là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Isave. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.
Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.

Sống Lời Chúa:
Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Isave trong ngày cuối tháng hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này.

Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết sống bác ái với tha nhân, để nhờ đời sống bác ái, Chúa Giê-su con Mẹ được biết đến nhiều hơn và được yêu mến nhiều hơn.

Lẽ sống:
Lòng tốt của Mẹ
dạy con muốn tiếp tục sống

George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với mẹ mình.
Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.
Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau: "Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?".
Vị tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống".
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Ysave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa.
Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với mẹ. Một vài Kinh Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.

Lời Chúa: Thứ Hai 30.05.2016 TUẦN IX THƯỜNG NIÊN – Năm C

PHÚC ÂM: Mc 12,1-12
“Ông sẽ tiêu diệt tá điền rồi giao vườn nho cho người khác.” (Mc 12,9)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co
1 Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng : "Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác : kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu : người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ ; ông nói : "Chúng sẽ nể con ta." 7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau : "Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì ? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. 10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta !
12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng ; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

Suy niệm:
Ðá tảng góc tường

Tin Mừng hôm nay nói về vườn nho của Chúa được trao cho các tá điền để làm sinh lợi thêm những hoa trái mới. Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng những kẻ có trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của mình; còn vườn nho mới chính là Israel mới, tức Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao cho những tá điền mới. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy chương trình hành động của Thiên Chúa, Ðấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.
Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu Phục Sinh sau biến cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người phải xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. "Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.

Sống Lời Chúa:
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương nhau. Khi sống yêu thương, chúng ta đã hành động như chính Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể biến thù thành bạn; cũng chỉ có tình yêu, chúng ta mới giúp nhau nên thánh ngang qua những yếu đuối, vụng về của thân phận con người. Hãy nhớ lời thánh vịnh 118 mà hôm nay Đức Giêsu đã lặp lại: "Tảng đá thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường".

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa khơi lên ngọn lửa yêu mến nơi tâm hồn chúng con, để chúng con cùng nhau xây dựng tình thương, công bình và chân lý trong cuộc sống của mình.

Lẽ sống:
Một chỗ khủng khiếp

Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là "Một chỗ khủng khiếp" như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp: "Mai là ngày lễ Phục Sinh".
Nghe thế, tôi tự hỏi: "Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?...". Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: "Ðức Kitô đã sống lại thật".
Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.
Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào: "Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác không quan trọng gì cho lắm". Nói xong cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.
Ðược dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: "Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến".
Tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN - 29.05.2016 - NĂM C

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ  (Lễ Sancti) – Lễ trọng

Phúc Âm : Lc 9,11b-17
Chúa Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ… (Lc 9,16)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
11 Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. 
12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng : "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng." 13 Đức Giê-su bảo : "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp : "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này." 14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ : "Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một." 15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. 16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

Suy niệm:
"Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày"

"Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày", đây là lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ. "Việc này" mà Chúa nói tới, chính là nghĩa cử hy sinh, dâng hiến và sống vì người khác. 
Lương thực là một thách đố lớn đối với xã hội hôm nay, tạo nên một khoảng cách lớn phân chia giữa các nước giàu và các nước nghèo. Trong khi một số quốc gia giàu có phung phí lương thực và đồ dùng, thì tại các nước nghèo trên thế giới, người dân vẫn đói khát, thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày. Ngay trong thời hiện tại, cơn đói bánh ăn vẫn là một trong những nguy cơ bùng nổ chiến tranh và tạo ra những làn sóng di dân, kéo theo rất nhiều hệ luỵ nghiêm trọng trong các lãnh vực chính trị, văn hoá, nhất là an ninh xã hội.
Bánh ăn cũng là cơn cám dỗ đầu tiên, ma quỷ đã thử thách Chúa vào lúc Chúa ăn chay trong sa mạc: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy làm cho đá này trở nên bánh". Chúa Giêsu khước từ lời đề nghị của tên cám dỗ. Người không làm phép lạ chỉ vì một lời thách thức hay chỉ vì thoả chí tò mò của con người.  Tuy vậy, các tác giả Phúc âm kể lại, Chúa đã hai lần làm cho bánh hoá ra nhiều. Hai lần ấy được thuật lại trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay:
- Việc thứ nhất: Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, từ năm cái bánh và hai con cá, Chúa nuôi dưỡng khoảng năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ (Bài Tin Mừng). Những người được ăn bánh là người theo Chúa để nghe Người giảng dạy. Họ bỏ nhà cửa, công việc để lắng nghe Lời hằng sống. Cùng với Lời hằng sống, Chúa đã cho họ bánh ăn để nuôi dưỡng họ về thể xác.
- Việc thứ hai: trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích này, Chúa muốn hiện diện nơi hình Bánh và hình Rượu để ở với con người, trở nên của ăn của uống cho con người mọi nơi mọi thời. Chúa hiến mình vì chúng ta, để tha thứ và cứu rỗi chúng ta. Những người được ăn bánh này không chỉ là các tông đồ đang hiện diện trong bữa tiệc ly, mà tất cả những ai thành tâm đón nhận và tin vào Chúa đều được nuôi dưỡng bởi lương thực thần linh này. Nhờ được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa, người Kitô hữu có sức sống thần thiêng của Thiên Chúa. Họ được thần linh hóa, để rồi tuy còn sống ở trần gian, họ được nếm hưởng lương thực của các thiên thần và một phần nào đó tham dự vào hạnh phúc thiên đàng.
Lễ kính Mình và Máu Thánh Đức Kitô nhắc chúng ta về tình thương bao la của Thiên Chúa. Lễ này mang một cách đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thánh Thể chính là bảo chứng hùng hồn mãnh liệt về lòng thương xót của Chúa. Như người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì con mình, Chúa Giêsu đã hiến mạng sống vì phần rỗi chúng ta. Người mẹ nào cũng muốn hiện diện bên con, để an ủi vỗ về trong những lúc vui buồn của cuộc sống, Chúa Giêsu hiện diện để đồng hành với chúng ta trong mọi giây phút của cuộc đời.
"Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày", đây là lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ. "Việc này" mà Chúa nói tới, chính là nghĩa cử hy sinh, dâng hiến và sống vì người khác. Người muốn các ông thực hiện điều Người đã làm, để tấm Bánh Thánh Thể trở nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng toàn thể nhân loại. Việc trao bánh cho các tông đồ là nghĩa cử của sự sẻ chia bác ái. Chúa cũng muốn cho chúng ta, những Kitô hữu, biết chia sẻ với người nghèo về tinh thần cũng như vật chất, để lấp đầy và xóa bỏ khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ này có khả năng nuôi sống mọi người trên trái đất. Nếu còn tồn tại những bất bình đẳng, nếu còn những khác biệt giữa người giàu và người nghèo, là vì còn nhiều người giàu ích kỷ và còn tồn tại những hệ thống hành chính thiếu công bằng trong việc phân phối của cải cho người dân. Nếu con người ngưng đầu tư cho chiến tranh và thực thi đức công bằng, quan tâm đến tha nhân, thì cơn thách đố về lương thực sẽ được giải quyết và người nghèo sẽ bớt đói khổ.  
Bí tích Thánh Thể vừa là lời tôn vinh tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại,  vừa là lời mời gọi chia sẻ để con người sống trong huynh đệ công bằng và hạnh phúc. Nếu Chúa đã hiến mình vì ta, thì Người đang mời gọi chúng ta hãy "làm việc này mà nhớ đến Thày", tức là hãy hiến thân vì anh chị em, để đem cho họ tình thương và hạnh phúc.

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết siêng năng rước mình Thánh Chúa mỗi ngày để làm của ăn lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh của chúng con, và xin cho con trở nên tấm bánh cho những người anh chị em đang sống bên cạnh con. Chỉ có Ngài là sự sống đích thực cho con.

Lẽ sống:
Ðỉnh Cao

Ðỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề "Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên". Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu "Ông ta chết trong lúc đang leo".
Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: "ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai".
Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.