Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM C - 13.03.2016

Phúc Âm : Ga 8,1-11
"Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". (Ga 8,7)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.  2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người : "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói : "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" 11Người đàn bà đáp : "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói : "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !"

Suy niệm:
Tội lỗi và lòng thương xót

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, câu chuyện người phụ nữ ngoại tình mang ý nghĩa đặc biệt. Đây cũng là lời lưu ý nhắc nhở chúng ta hãy thận trọng trong cách nhận định xét đoán người khác, bởi lẽ hết thảy chúng ta đều là tội nhân đang cần được lòng thương xót của Chúa bao bọc che chở.
Thánh Gioan là tác giả duy nhất ghi lại câu chuyện người phụ nữ ngoại tình. Câu chuyện này được trình bày như một vụ án. Người bị cáo là một phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang (nhưng không có tòng phạm bị tố cáo), người tố cáo là các kinh sư và biệt phái, thẩm phán là Chúa Giêsu. Vụ án được trình bày như một vở kịch, nhân vật trung tâm là Chúa Giêsu. Trong vụ này, các kinh sư và biệt phái muốn gài bẫy thử Chúa. Bởi lẽ nếu Chúa nói đừng ném đá, họ sẽ kết án Chúa bãi bỏ Lề Luật Môisen (x.Lv 20,10;Dnl 22,23-24); nếu Chúa đồng ý cho họ ném đá, Chúa sẽ mâu thuẫn với lời Người rao giảng về đức bác ái yêu thương.
Chúa Giêsu đã ứng xử rất khôn ngoan, không mắc bẫy và không rơi vào hai tình huống trên. Người không phủ nhận Luật Môisen, cũng không làm trái với lời giáo huấn của Người. Với câu trả lời: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi", Chúa đã lưu ý những người đang tố cáo hãy nhìn lại mình. Chính vì vậy, mà không ai dám cầm đá ném người phụ nữ. Và, kết quả là, những người tố cáo dần dần rút lui, chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ. Khi những lời tố cáo ồn ào đã lắng xuống, chỉ còn lại một bên là tội nhân đáng thương, một bên là lòng thương xót. Lòng thương xót đã chiến thắng. Người phụ nữ đã thoát chết. Chị được phục hồi và còn có một tương lai để làm lại cuộc đời. Lòng nhân từ của Chúa đã cứu sống chị. Những người tố cáo không còn có lý do để bắt bẻ Chúa. Họ cũng không hằn học coi khinh một người đã phạm tội, vì họ nhìn lại chính bản thân mình và nhận ra thân phận tội lỗi của họ. Chúa Giêsu được tác giả Tin Mừng trình bày như một vị tôn sư khôn ngoan, đầy lòng nhân hậu.
Đức Thánh Cha Phanxicô, khi giảng về câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, đã nói: "Chúa Giêsu không để cho người đàn bà ngoại tình bị sỉ nhục. Người không nói với chị: "Con đã làm gì? Tại sao? Vì sao con làm như vậy? Con phạm tội với ai? Ngược lại, Người nói: "Con hãy đi và đừng phạm tội nữa. Lòng Thương xót của Chúa thật lớn lao và lòng thương xót của Chúa Giêsu cũng thật lớn lao. Chúng ta được tha thứ và được vuốt ve" (Trích trong cuốn Danh Ngài là Thương Xót, tr. 18).
Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình được đọc trong Chúa nhật hôm nay, khi chúng ta đã đi gần hết chặng đường của Mùa Chay. Chúng ta hãy nhìn lại mình, xem mình là nhân vật nào trong vở kịch được kể trên. Có thể chúng ta đang là những kinh sư và biệt phái, chuyên săm soi và kết án người khác mà không nhận ra tội lỗi của mình để ăn năn sám hối.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, câu chuyện người phụ nữ ngoại tình mang ý nghĩa đặc biệt. Đây cũng là lời lưu ý nhắc nhở chúng ta hãy thận trọng trong cách nhận định xét đoán người khác, bởi lẽ hết thảy chúng ta đều là tội nhân đang cần được lòng thương xót của Chúa bao bọc che chở. Ngôn sứ Isaia đã ca ngợi lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại. Ngài quên quá khứ đen tối của con người, mở ra trước mặt họ một con đường tương lai. Hoang mạc khô cằn sẽ vọt lên dòng suối mát, làm nước uống cho dân được tuyển chọn (Bài đọc I). Tình thương của Chúa sẽ như đại dương, tẩy sạch mọi tội lỗi của con người.
"Con hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Lời tuyên bố của Chúa Giêsu đã giúp người phụ nữ tìm được hy vọng vào tương lai. Chị vẫn còn có một ngày mai tươi sáng, sau những tháng ngày ảm đạm chìm sâu trong tội lỗi. Đây cũng là lời chúng ta được nghe, mỗi nghi lãnh nhận Bí tích Hoà giải. Cha giải tội, sau khi đọc lời tha tội, cũng tuyên bố với chúng ta: "Chúa đã tha tội cho Ông (Bà), Ông (Bà) hãy ra về bình an". Còn lời nào đẹp hơn là lời tuyên bố được tha thứ? Đây cũng giống như lời của vị quan toà nói với bị cáo là người đó được tha bổng, không còn bị kết án. Lòng thương xót của Chúa thật kỳ diệu, làm cho chúng ta được bình an và niềm vui trong tâm hồn.
Thiên Chúa không lên án chúng ta. Ngài luôn yêu thương và rộng lượng thứ tha mọi tội lỗi ta đã phạm, miễn là chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định một danh xưng của Thiên Chúa: "Danh Ngài là Thương Xót".

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con rất sợ bị bắt quả tang đang phạm tội. Nhưng có tội nào chúng con phạm mà Chúa chẳng am tường. Xin cho chúng con biết cởi bỏ những mặt nạ giả dối, để luôn sống chân thật và trong sáng trước mặt Chúa và anh em. Nếu Chúa đã không lên án chúng con, thì xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ kết án anh em của mình.

Lẽ sống:
Nếu tôi biết tha thứ

Trong những năm 1944-1945 dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.
Ðức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi. Ðến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: "Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình. Ðức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao qúy. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này". Nói rồi anh bật khóc: "Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con". Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria...
Xin được tha thứ, đó là một trong những hành động vĩ đại nhất của con người... Quỷ Satan đã có lần trách móc Thiên Chúa như sau: "Ngài không công bình. Có biết bao nhiêu tội nhân đã làm điều ác. Họ chỉ trở lại một đôi lần, nhưng lần nào Ngài cũng niềm nở tiếp đón họ. Tôi chỉ có làm một điều bậy, tôi chỉ có phạm tội một lần, thế mà Ngài đã tuyên phạt tôi đời đời". Nghe thế, Thiên Chúa mới hỏi vặn lại Satan: "Thế ngươi có bao giờ mở miệng xin tha thứ và ăn năn sám hối chưa?".
Mở miệng kêu xin tha thứ là bước lần đến ngưỡng cửa Thiên Ðàng. Nhưng xin tha thứ cho chính mình thôi, chưa đủ, con người cần phải tha thứ cho người khác. Cánh cửa Thiên Ðàng sẽ mở ra mỗi khi con người thành thực thứ lỗi cho người khác.
Nhận ra lầm lỗi của mình, kêu cầu sự tha thứ và tha thứ cho người khác: đó là đôi cánh Thiên Thần giúp con người bay lên tới Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét