Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM C - 06.03.2016

Phúc Âm : Lc 15, 1-3.11-32
"Em con đã chết nay sống lại". (Lc15,32)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này : 11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp : "Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : 'Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : 'Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.' 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
"Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...' 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.' Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : 'Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.' 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha : 'Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !'
31 "Nhưng người cha nói với anh ta : 'Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.'"

Suy niệm:
Niềm vui trở về

Niềm vui trở về trước hết là niềm vui của người con hoang đàng, nhưng đó cũng là niềm vui của người cha. Chúa Giêsu đã nói đến việc “trên trời cũng vui mừng” khi một tội nhân ăn năn sám hối. Mỗi tội nhân trở về là niềm vui của Thiên Chúa và niềm vui của con người.
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là một trong những áng văn chương đẹp nhất của Kinh Thánh, bởi nó diễn tả dung mạo Thiên Chúa qua những đặc tính rất “người”. Nhân vật người cha phản ánh sự bao dung nhân từ của Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta. Không những thế, Ngài còn yêu thương dành cho chúng ta những điều tốt lành. Việc người cha sai gia nhân mang nhẫn, dày dép, áo đẹp cho cậu con trước đây đã đi hoang đàng cho thấy, người con thứ đã thực sự được tái hòa nhập vào gia đình, nghĩa là người cha đã quên quá khứ của anh, đã tha thứ cho anh và vẫn thương mến anh như ngày nào.
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” có ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi chi tiết trong câu chuyện đều mang ý nghĩa sâu sắc và đều gợi ý cho chúng ta suy tư về đức tính của người cha. Kể từ ngày con thứ ra đi, ông vẫn đợi chờ và vẫn hy vọng có ngày nó trở về. Ông còn chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để thết tiệc trong ngày vui mừng ấy. Niềm vui trở về trước hết là niềm vui của người con hoang đàng, nhưng đó cũng là niềm vui của người cha. Chúa Giêsu đã nói đến việc “trên trời cũng vui mừng” khi một tội nhân ăn năn sám hối. Mỗi tội nhân trở về là niềm vui của Thiên Chúa và niềm vui của con người. Cũng như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về để tha thứ, bao bọc chúng ta trong ân sủng và tình yêu thương. Dù tội lỗi đến đâu đi nữa, con người vẫn không mất niềm hy vọng, vì Thiên Chúa là Cha hay xót thương.
Trong khi mọi người đều vui trước sự trở về của người con thứ, thì có một người không vui, đó là người con cả. Kế từ ngày người con thứ đi hoang, anh con cả vẫn ở với cha mình. Tuy vậy, xem ra anh chỉ gần cha về thể lý, mà lòng anh cũng xa vắng, không hơn gì em mình. Khi thấy cậu em trở về, anh không chỉ không vui mà tỏ ra ghen tỵ giận dỗi. Anh khó chịu với cả người cha, vì cho rằng cha anh không công bằng. Anh tự cho mình là người hiếu thảo, hầu hạ cha. Anh đòi phải phân biệt rõ ràng công với tội, ân với oán. Lối suy nghĩ của người con cả cũng là suy nghĩ của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta tự cho mình là những người hoàn hảo, là những người “sống trong nhà”, trong khi thực tế, tâm hồn chúng ta xa Chúa. Chính lối sống và cách suy nghĩ ấy làm cho chúng ta xa cách Ngài. Người con cả cũng như người con thứ, đều phải trở về để thay đổi cuộc sống, sám hối lỗi lầm, trở thành con người mới. Nên nhớ bối cảnh của dụ ngôn này, được Chúa Giêsu kể để đối lại những lời xầm xì của những người biệt phái và luật sĩ, khi họ thấy Người thân thiện với người thu thuế và người tội lỗi.
Mùa Chay là mùa trở về. Khi nói đến trở về, có nghĩa là ta còn ở xa. Khi nói trở về, cũng có nghĩa ta về với nhà mình, với những người thân thiết. Trở về bao giờ cũng là giờ phút đong đầy niềm vui. Những người rời quê hương đi làm ăn xa, dịp tết hay những ngày  giỗ chạp, bao giờ cũng trở về nhà mình để sum họp quây quần. Dù phải vượt qua chặng đường dài, mệt mỏi và tốn kém họ cũng không quản ngại, vì gặp gỡ đoàn tụ mang lại cho họ niềm vui. Thánh Phaolô năm nỉ chúng ta: “Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hòa với Thiên Chúa” (Bài đọc II). Giao hòa với Chúa tức là trở về với Ngài, như người con hoang đàng nhận ra những lỗi lầm để xin ơn tha thứ và được sống trong tình Cha.
Tác giả sách Giosuê ghi lại một biến cố quan trọng trong lịch sử Do Thái. Đó là sự chấm dứt đời sống lữ hành sa mạc, khởi đầu định cư. Đây cũng là lần đầu tiên họ cử hành long trọng lễ Vượt Qua, kể từ ngày ra khỏi Ai Cập. Từ nay, cuộc sống của họ được ổn định. Họ có thể trồng cấy và ăn những sản phẩm mình làm ra. Đây chính là phần đất mà Chúa đã hứa với tổ tiên của họ. Được định cư nơi đất mới, họ vui mừng hân hoan và nhận ra cánh tay hùng mạnh của Chúa và sự trung tín của Ngài đối với dân riêng. Trong hành trình sa mạc, mặc dầu nhiều lần họ phạm tội, Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ cho họ, vì Ngài là Cha và là Đấng giải phóng của họ.
Mỗi chúng ta đều có thể nhận ra bản thân mình qua 3 nhân vật chính của dụ ngôn: đó là hình ảnh người cha, người con thứ, và người con cả. Có thể chúng ta ở vị trí của người cha, cần phải đón nhận và tha thứ cho người khác đã xúc phạm đến mình. Có thể chúng ta giống như người con thứ, đã bỏ nhà đi hoang, nay sám hối trở về và nhận ra tình Chúa bao dung nhân từ. Cũng có thể chúng ta giống như người con cả, ghen tương vì thấy người khác được những điều tốt lành. Dù là nhân vật nào đi nữa, thì lời mời gọi sám hối trở về cũng đều cấp thiết. Nếu khiêm tốn nhận mình cần được thương xót và cần được ơn tha thứ, chắc chắn chúng ta sẽ được tràn đầy niềm vui, niềm vui dành cho người trở về.

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên

Cầu nguyện:
Đoạn Phúc Âm hôm nay quả là một tin mừng cho người trở lại, nhưng đồng thời cũng là một lời cảnh cáo đối với những người ở trong nhà. Thực vậy, câu chuyện cho thấy người cần phải trở lại hơn hết lại chính là người con cả, người con vẫn ở nhà với cha, nhưng cõi lòng thì không ở cùng cha.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nhìn lại mình, để quyết tâm đứng dậy trở về cùng Cha. Mỗi một thất bại, mỗi một đau khổ vẫn luôn là một tiếng chuông gọi mời, cảnh tỉnh, nếu con biết tự kiểm điểm rút tỉa kinh nghiệm. Chúng sẽ là cơ hội quí báu cho con cảm nghiệm được tình yêu bao la của người Cha trên trời.

Lẽ sống:
Những tác phẩm để đời

Nguyện đường Sixtina trong nội thành Vatican đã được Ðức Giáo Hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Không những là nơi các vị Hồng Y tụ tập để bầu Giáo Hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp quan trọng khác có tính chất thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michelangelo.
Bất cứ du khách nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sỹ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Kinh thánh.
Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng mặt về trần bản ròng rã không biết bao nhiêu năm tháng. Nóng lòng chờ đợi các tác phẩm của ông, ngày kia, đức Sixto đã to tiếng hỏi vọng lên từ dưới đất: "Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc?". Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại: "Chừng nào con có thể!". Vị Giáo Hoàng dường như mất hết kiên nhẫn: "Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết...". Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời: "Thưa Ðức Thánh Cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau...".
Có những bản nhạc, có những tác phẩm văn chương, có những công trình kiến trúc đã trở thành bất hủ. Nghĩa là, qua dòng thời gian, người ta sẽ không bao giờ quên được những kiệt tác ấy. Nhiều khi chính tác giả của những công trình bất hủ ấy không bao giờ dám nghĩ đến sự trường tồn của tên tuổi mình như thế.
Danh họa và điêu khắc gia Michelangelo đã tiên đoán về những tác phẩm của mình. Quả thực, ông đã để lại muôn thế hệ tên tuổi của ông qua các sáng tác của ông. Tượng Pieta, tượng Maisen, tượng David và các bức bích họa trong nguyện đường Sixtina sẽ không bao giờ mai một với thời gian.
Tuy nhiên, cái bất hủ nơi con người chỉ là một cái bóng mờ đối với cái vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Một cuộc chiến tranh tàn phá, một thiên tai vùi dập: tất cả mọi tên tuổi và dấu vết của con người cũng đều tan biến. Duy chỉ có những gì được xây dựng trên nền tảng của Vĩnh Cửu mới được trường tồn.
Thiên Chúa không tạo dựng tất cả mọi người đều là thiên tài để ai cũng có thể để lại cho hậu thế danh thơm tiếng tốt của mình. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được tạo dựng như một kiệt tác của vũ trụ. Kiệt tác đó sẽ mãi mãi đi vào Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Nhưng mỗi đời người là một công trình cho vĩnh cửu. Mỗi một việc làm vô danh và nhỏ bé nhất cũng đều mang một giá trị vĩnh cửu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét