Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Lời Chúa: Thứ Năm 14.01.2016 sau Chúa nhật I Thường Niên.

PHÚC ÂM: Mc 1,40-45
“Bệnh phong biến khỏi anh và anh được sạch”. (Mc 1,42)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng : "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." 41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : "Tôi muốn, anh sạch đi !" 42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh : "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." 45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

Suy niệm:
Phong cùi

Bệnh cùi là một chứng bệnh hay lây, và theo quan niệm của người Do Thái, dưới cái nhìn tôn giáo, thì bệnh cùi là do tác động của một thứ thần ô uế. Người mắc bệnh cùi bị liệt vào hàng những kẻ dưới quyền lực của ma quỷ và lẽ đương nhiên họ không được quyền chung đụng với người trong sạch. Theo lề luật Do Thái, có cả những khoản quy định tình trạng xã hội của những kẻ mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo này. Họ bị tách biệt khỏi cộng đồng loài người, cả về phương diện xã hội lẫn tôn giáo.
Đoạn Tin Mừng tuy ngắn ngủi nhưng đầy chi tiết giúp chúng ta hiểu được tầm mức và ý nghĩa hành động của Chúa Giêsu. Thực vậy chính người mắc bệnh phong cùi đã đi bước trước. Anh đến với Chúa và van xin Ngài cho anh được lành sạch. Lời van xin bao gồm nhiều ý nghĩa. Anh muốn Chúa Giêsu cho anh được lành và qua đó, cho anh trở thành người sạch và được gia nhập cộng đồng xã hội.
Hành động của người mắc bệnh quả là táo bạo. Anh đã liều lĩnh vượt ra khỏi những điều luật lệ quy định là phái xa tránh người khác, thậm chí còn phải la to để người khác biết mà tránh. Anh đến với Chúa Giêsu, để trình bày tình trạng của mình, cũng như ý muốn được chữa lành. Hành động liều lĩnh này hẳn phải xuất phát từ lòng tin tưởng không những ở quyền năng của Chúa Giêsu có thể chữa lành bệnh, mà nhất là ở lòng nhân từ thương yêu của Ngài, muốn giải thoát người ta khỏi bệnh tật. Chắc là anh đã từng được nghe thiên hạ nói về Ngài. Diễn tiến của sự việc cho thấy anh đã không tin tưởng hão huyền. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước thái độ và lòng tin của anh. Và Ngài đã làm phép lạ để cứu chữa anh.
Nhìn vào hành động của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài cũng đã không ngần ngại vi phạm điều lề luật quy định vì Ngài đã giơ tay đặt trên người bệnh. Dĩ nhiên, không thể coi đoạn Tin Mừng này như là một sự khuyến khích cho việc vi phạm lề luật, nhưng cách xử sự của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy còn có những cái quan trọng hơn cả việc tuân giữ lề luật, hay nói cách khác, lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Bằng chứng là tiếp đó chúng ta lại thấy Chúa Giêsu căn dặn người được lành hãy đi trình diện cùng trưởng tế, dâng của lễ theo luật Maisen. Một nghi thức mà tất cả những người được khỏi bệnh cùi, vì lý do nào đều phải làm để được công khai và chính thức tuyên bố là mình được khỏi, được sạch và do đó được quyền vào lại trong cộng đồng xã hội.
Người mắc bệnh phong cùi là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn tội lỗi, vì tội lỗi cũng chính là thứ phong cùi thiêng liêng, làm cho tâm hồn chúng ta trở nên hôi thối và chết dần chết mòn. Bời đó, với một lòng tin tưởng, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu, để được chữa lành, để được tha thứ, nhờ đó, chúng ta được liên kết với Thiên Chúa và với anh em, sợi dây liên kết này vốn đã đứt đoạn do tội lỗi của chúng ta.

Sống Lời Chúa:
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống.
Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.
Dù tội lỗi bao nhiêu, đừng ngã lòng, đừng thất vọng. “Nơi đâu tội lỗi đầy tràn, nơi đó ân sủng càng chứa chan” cho ai biết và dám thống hối đến với Chúa như người cùi hôm nay.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng con trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng con một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mở để san sẻ tình yêu cho những người cần đến chúng con.

Lẽ sống:
Xuống đường

Thông thường, hai chữ "Xuống Ðường" gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta "xuống đường" là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp "xuống đường" của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc phận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.
Từ 8 năm qua,  một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là "Giải phóng kẻ bị giam cầm". Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.
Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: "Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai."
Mục đích của những người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông. Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng, khi xuống đường  đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét