Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B. 20.09.2015

Phúc Âm : Mc 9, 30-37
"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết". (Mc 9, 31.35).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
Oval: 3
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?" 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."


Suy niệm:
Khiêm nhường và phục vụ

Nhân cuộc tranh luận của các môn đệ, Chúa Giêsu muốn dạy các ông bài học về khiêm nhường và phục vụ. “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Chính Chúa đã thực hiện nơi bản thân Người bài học này.
Thánh Mác-cô đã làm độc giả ngạc nhiên khi ghi lại cuộc tranh cãi của các môn đệ xoay quanh đề tài “ai sẽ là người lớn nhất” ngay sau khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn thập giá. Người ta đặt câu hỏi: Làm sao các môn đệ lại vô tâm trước những điều Đức Giêsu vừa nói? Thì ra, kể cả lúc Chúa tiên báo cuộc khổ hình đau thương mà Người sắp chịu, các ông vẫn còn mơ về thời Thiên sai theo nhãn giới phàm tục. Vì vậy, nghe Chúa nói về việc Người sẽ bị bắt bớ và bị giết, các ông “không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người”.
Nhân cuộc tranh luận của các môn đệ, Chúa Giêsu muốn dạy các ông bài học về khiêm nhường và phục vụ. “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Chính Chúa đã thực hiện nơi bản thân Người bài học này. Là Thiên Chúa uy quyền cao sang, Chúa Giêsu đã hạ mình mặc lấy thân phận con người để sống cùng và sống cho con người, nhằm mưu cầu hạnh phúc của họ. Qua hình ảnh một em bé, Chúa muốn khẳng định, những ai muốn theo Người cần phải sống đơn sơ, phó thác để có thể trở nên môn đệ đích thực của Người. Lý tưởng của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược với lối suy nghĩ thông thường của con người. Ở đời, ai cũng muốn nổi hơn người khác về mọi phương diện. Nếu thấy người bên cạnh hơn mình thì họ ghen tương, thậm chí tìm cách gài bẫy để loại trừ. Bài đọc I đã diễn tả điều này. Tác giả sách Khôn ngoan đã ghi lại “lý sự” đầy hằn học của những kẻ gian ác. Họ ghen tương khi thấy người tốt sống đạo hạnh. Những việc làm tốt của người đạo đức lại là một lý do để họ gây chiến. Các nhà chú giải Kitô giáo đã sớm nhận ra người công chính mà sách Khôn ngoan nói đến chính là Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, người Do Thái đã phân bì với Chúa và họ vu khống cho Người có âm mưu phản loạn, xách động dân chúng. Kết cục, Chúa Giêsu bị kết án thập giá và Người đã chết cho Chân lý.
Chúa Giêsu đã báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Người. Qua lời tiên báo này, Người cũng muốn thanh luyện quan niệm trần tục về Đấng Thiên sai. Vị Thiên Chúa sai đến không phải một chính trị gia hay một người thống trị bằng quyền hành hay bạo lực. Người là Thiên Chúa tình yêu, Người cứu độ con người bằng yêu thương và phục vụ. Người cũng mời gọi con người hãy tiếp nối Người để làm cho tình yêu thương thấm đượm trần gian. Thánh Giacôbê đã phê phán thói ganh tị và cãi vã giữa các thành viên của cộng đoàn tín hữu thời bấy giờ (Bài đọc II). Theo vị Tông đồ, nguyên nhân của những cãi vã và xung đột là sự đam mê ích kỷ của con người, nhất là do thiếu tinh thần siêu nhiên và đời sống nội tâm.
    Trong tuần lễ vừa qua, ngày 14-9 là lễ suy tôn thập giá Chúa Giêsu. Liền ngày hôm sau, tức là ngày 15-9, Giáo Hội tôn kính Đức Trinh nữ Maria với tước hiệu “Đức Mẹ sầu bi”. Đức Giêsu là Thiên Chúa chí thánh đã trở nên “tội nhân” vì con người. Đức Trinh nữ không hề mắc tội lại mang trên thân mình biết bao đau khổ cay đắng để cộng tác với hy sinh của Đức Giêsu, mang lại ơn cứu độ cho trần gian. Đức Maria đã được tuyên xưng như một vị “tử đạo mà không phải chết”, vì Mẹ đã đón nhận đau khổ trong Đức tin và tâm tình vâng phục.
Đau khổ gắn liền với thân phận con người. Vừa lọt lòng mẹ, đứa trẻ đã chào đời bằng tiếng khóc. Đã sống trên đời, không ai tránh khỏi đau khổ. Hành trình cuộc đời cũng là hành trình thập giá. Dù muốn hay không, đau khổ vẫn luôn kề bên ta. Cây gỗ Chúa Giêsu vác lên đồi Can Vê năm xưa đã trở thành thánh giá, vì mang lấy thân thể của Đấng cứu độ. Những đau khổ của chúng ta có thể được biến thành ân phúc, nếu chúng ta đón nhận với tinh thần hy sinh mến Chúa yêu người. Nếu chúng ta biết san sẻ cho nhau gánh nặng cuộc đời, sức nặng của thập giá sẽ bớt đi, đau thương sẽ biến thành niềm vui, thập giá sẽ nở hoa, niềm vui phục sinh sẽ rạng rỡ nơi cuộc đời.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận Hải Phòng

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con đức khiêm nhường để con luôn bước đi bên Chúa và có Chúa ra tay bảo vệ con trong những lúc ngặt nghèo.

Lẽ sống:
Bởi vì tôi rất yêu mến bà!

Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta tiến lại gần một người mà người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêxa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương này đang hấp hối... có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn đầy tình thương yêu.
Người đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêxa bằng một giọng thều thào:
- "Tại sao bà lại làm như vậy?"
Mẹ Têrêxa trả lời:
- "Bởi vì tôi rất yêu mến bà..."
Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.
- "Ôi bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!"
- "Tôi rất yêu mến bà". Mẹ Têrêxa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.
- "Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà".
Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêxa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời... Bằng chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêxa đã biết nhìn sự suy sụp của tình người, Mẹ đã biết khám phá ra cái thực thể thiêng liêng Mầu Nhiệm của những con người nghèo hèn xấu số nhất. Chúng ta cũng hãy luôn nhìn mọi người bằng chính cái nhìn yêu thương và tôn trọng của chính Chúa đối với mọi người...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét