Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm Tuần V Mùa Phục Sinh. 07.05.2015

PHÚC ÂM:   Ga 15,9-11
Hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

Suy niệm:
 Trọn vẹn tình yêu

Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy sống trọn vẹn tình yêu, theo mẫu mực tuyệt hảo như Thiên Chúa yêu thương. Ta hãy giữ giới răn của Chúa Giêsu để sống trong tình yêu của Người.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ, mà kiểu mẫu cho tình yêu này phát xuất từ tình yêu mà Chúa Cha dành cho Ngài. Có một dòng chảy trong tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và những môn đệ của Chúa Con. Tình yêu của Chúa Cha tuôn trào trên Đức Giêsu, và tình yêu của Đức Giêsu lại nồng nàn trên các môn đệ của Ngài. Và Đức Giêsu dạy các môn đệ bí quyết để giữ tình yêu đó không mai một, không phôi phai, đó là sự tuân giữ các giới răn và ở lại trong tình thương của Thiên Chúa.
Hôm nay, cuộc sống với biết bao nỗi lo cơm áo gạo tiền, dễ làm ta ưu tiên cho những giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần, giá trị của Tin mừng.
Nhịp sống tất bật vội vã, chạy đua với thời gian hôm nay, dễ làm ta bỏ qua hay xem nhẹ những khoảnh khắc được “ở lại” với Chúa.
Mong sao, những phút giây “ở lại” với Chúa, không bao giờ thiếu vắng trong ngày sống của tôi, trong nội tâm thiêng liêng của lòng tôi.
Mong sao, nhờ miệt mài “ở lại” trong đường lối Chúa, tôi trở nên một cành nho sinh đầy hoa trái.

Sống Lời Chúa:
Yêu Chúa Giê-su như thánh Phao-lô dạy: “Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Col 3,17).

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dạy con sống tình yêu chia sẻ như Chúa, để đời con tràn đầy niềm vui hạnh phúc, vì “ kẻ cho thì có phúc hơn người nhận”.   

Lẽ sống:
Truyền giáo

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: "Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"
Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?". Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.
Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.
Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?
Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện... Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội... Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.
Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.
Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét