Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai Tuần VII Mùa Phục Sinh. 18.05.2015

PHÚC ÂM:   Ga 16,29-33
Can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
29 Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng : “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp : “Bây giờ anh em tin à ? 32 Này đến giờ –và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.”

Suy niệm:
 Hãy can đảm lên

“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”.
Người rao giảng phải xử dụng ngôn ngữ nào để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả? Trước tiên, xét về phía người rao giảng, vì họ là người đem lời chân lý của Chúa đến cho con người; nên lời của họ phải chứa đựng sự thật. Thứ đến, xét về phía người nghe, đại đa số là thường dân và không có vốn liếng văn chương nhiều để hiểu biết những lời nói bóng bảy, chải chuốt. Vì thế, ngôn ngữ các nhà giảng thuyết dùng phải làm sao cho đơn giản, trong sáng, và dễ hiểu. Hơn nữa, mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là đưa khán giả tới niềm tin vào Thiên Chúa và thúc đẩy việc ăn năn xám hối; chứ không phải là để thưởng thức những áng văn hay phân tích văn chương. Vì thế, nhà giảng thuyết phải dùng những lời chân tình, do Thánh Thần hướng dẫn, để đánh động tâm hồn khán giả, giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa, và nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của họ, sẵn sàng cho sự hoán cải tâm hồn.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ cụ thể trong việc loan truyền Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, khi Phaolô đến Ephesô và hỏi các tín hữu ở đây họ đã lãnh nhận Thánh Thần chưa, họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói." Phaolô giải thích cho họ về sự khác nhau giữa hai Phép Rửa, và khi họ đã hiểu, ông làm Phép Rửa nhân danh Đức Kitô cho họ, và họ được lãnh nhận Thánh Thần. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, Ngài sử dụng ngôn ngữ chân thành của tình yêu để giúp các Tông đồ hiểu rõ những gì sắp xảy ra; để các ông biết cách đối phó khi phải đương đầu với tình thế.
Chúa Giêsu đang báo cho mỗi người trong chúng ta biết trước những khó khăn trong đời sống sẽ gặp phải, cần phải đối đầu, những điều này sẽ trở nên lo lắng sợ hải cho mỗi người. Nhưng chúng ta cần biết rằng Người đang ở trong chúng ta và chúng ta đang được ở trong Người, luôn  có sự đồng hành của Người, với ơn ban của Người để chiến thắng, và hưởng trọn niềm vui; như Người đã chiến thắng thế gian.

Sống Lời Chúa:
Chúng ta không cần dùng những lời lẽ văn chương bóng bảy hay chải chuốt trong việc loan báo Tin Mừng; nhưng cần những lời sự thật, đơn sơ mà mọi người đều có thể hiểu. Quan trọng hơn nữa là chúng ta nên dùng những lời chân tình phát xuất từ trái tim, và được sưởi ấm bởi Thánh Thần. Khán giả dễ nhận ra và đồng cảm với những người quan tâm đến cuộc sống của họ, vì Thánh Thần cũng là Người đang hoạt động trong khán giả. Chúng ta đừng sợ bất cứ điều gì trong hành trình rao giảng Tin Mừng, vì chúng ta tin tưởng Ba Ngôi Thiên Chúa luôn đồng hành để soi sáng, nâng đỡ và bảo vệ chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa là cùng đích của đời con, xin cho con luôn vững tin vào Chúa, hy vọng nơi Chúa, xin cho con trung thành theo Chúa trên con đường Thánh giá, để con dự phần vào chiến thắng của Chúa. Chúa đã chiến thắng thế gian, xin giúp con nhìn lên Chúa mà an tâm tiến bước.   

Lẽ sống:
Cánh Diều

Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau: Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.
Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: là chưa hề làm một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: "Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi". Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa ước nguyện như sau: "Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng".
Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: "Ít ra mình cũng làm cho người vui".
Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không.
Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay.
Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình.
Một tác giả nào đó đã nói: "Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng". Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.
Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.
Chúa Giêsu đã nhìn thấy qủa tim mà một người đàn bà góa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người. Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét