Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai Tuần IX Thường Niên. 01.06.2015

Thánh Giút-ti-nô, tử đạo - lễ nhớ
PHÚC ÂM: Mc 12,1-12
Họ đã bắt người con yêu dấu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục. Người nói : “Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác : kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu : người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ ; ông nói : ‘Chúng sẽ nể con ta.’ 7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì ? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. 10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta !”
12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng ; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi. 

Suy niệm:
Luôn sưởi ấm tâm hồn

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại, Ngài đã chọn dân Ítraen làm dân riêng của Ngài, trong dân tộc này Ngài chọn một số người trở thành:Thượng tế, kinh sư và kỳ mục; để hướng dẫn dân Ngài đi vào kế hoạch cứu độ nhân loại mà Ngài đã tạo nên. Nhưng với thời gian lâu dài, trong cương vị làm thầy của họ; họ đã quên đi căn tính của mình là: “Họ đang thuộc về Thiên Chúa, họ có bổn phận: gìn giữ, bảo vệ và chăm sóc dân của Ngài”. Nhưng khi thấy lòng tôn kính vâng phục nơi dân Thánh Chúa dành cho họ, vì Thiên Chúa, vì họ là những người của Thiên Chúa gởi đến. Nên Chúa Giêsu đã dùng: “Dụ ngôn những tá điền sát nhân” để đánh thức họ, mặc dầu họ nhận ra là Người đang ám chỉ nói về họ, nhưng họ vẫn không tỉnh thức, lại nuôi ác tâm muốn loại bỏ Người.
Hành động của các tá điền: Đã không nộp hoa lợi thì chớ, họ còn bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: "Chúng sẽ nể con ta." Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. Tại sao các tá điền hành động như thế?
ü Trước tiên, họ khinh thường Lề Luật của Thiên Chúa và của loài người, hay họ nghĩ lấy của nhà giàu không có tội. Họ là những người dân nghèo và nghĩ Thiên Chúa sẽ đứng về phía họ.
ü Họ không biết ông chủ phải vắng mặt đi xa; không biết ông có còn sống không hay chết rồi! Những tên đầy tớ dụng danh ông chủ để bắt chẹt họ và thu hoa lợi.
Hành động của ông chủ: Ác giả ác báo! Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta! Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

Sống Lời Chúa:
Chúng ta phải cố gắng ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày trong cuộc đời. Thiên Chúa thấu hiểu những cố gắng của chúng ta. Cố gắng sống theo sự thật là cách chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa và biến đổi thế giới chung quanh. Sống theo trào lưu của thế gian là chúng ta đã bị thế gian đồng hóa bởi họ.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết cầu nguyện cho các thừa tác viên có chức Thánh trong Giáo Hội, đặc biệt là các Linh mục luôn biết lắng nghe Lời Chúa để phục vụ đàn chiên và lương dân; luôn ở gần Thánh Tâm Chúa để lửa Lòng Thương Xót của Chúa luôn sưởi ấm tâm hồn các ngài. Nhờ đó đàn chiên được sống với sự cảm thông trong mọi hoàn cảnh, giúp mọi người đến gần Chúa hơn.
   
Lẽ sống:
Con người khờ khạo

Một cuốn phim Pháp với tựa đề "Gigot", đã kể lại cuộc đời cao thượng nhưng vô cùng đáng thương của một người câm tên là Gigot. Ðúng như cái tên có thể gợi lên, Gigot là một người khờ khạo nhưng có một tâm hồn cao quí. Ngày ngày anh quét đường, kiếm từng đồng xu nhỏ để mua những mẩu bánh mì vụn sống qua ngày. Nơi trú ngụ của anh là một cầu thang bẩn thỉu nằm bên dưới một ngôi nhà. Những người bạn duy nhất của anh là các chú chó và một con mèo hoang. Hằng ngày, từ tiệm bánh mì đi ra, anh đều mang theo thức ăn cho chúng. Anh đi đâu, chúng quấn quít bên người đến đó... Những con thú thương anh như một người bạn, nhưng những người đồng bào của anh chỉ nhìn anh như trò đùa. Mỗi khi cần có một trận cười, người ta gọi Gigot đến cho anh uống rượu để anh có thể nhảy múa trong cơn say và làm trò hề cho họ.
Một đêm nọ, sau khi say túy lúy và làm đủ trò hề cho thiên hạ cười, Gigot đi ngả ngiêng về nhà giữa cơn mưa. Anh bắt gặp một người đàn bà và một đứa con gái nhỏ đang nằm co ro trong góc hè phố, mình mẩy ướt như chuột lột. Anh dìu hai mẹ con người đàn bà về nhà mình và dọn chỗ cho họ qua đêm. Trong những ngày kế tiếp, anh tìm đủ mọi cách để làm cho người đàn bà được hạnh phúc và cô bé được vui cười. Anh đưa cô bé đến nhà thờ và dùng thứ ngôn ngữ câm của mình để nói với nó về Chúa Giêsu... Một hôm, người mẹ muốn đi nơi khác vì không chịu nổi cảnh thiếu thốn trong căn nhà của anh. Người câm không biết làm gì hơn là đành phải đến hiệu bánh mì quen để đánh cắp một số tiền. Với số tiền ấy, anh có thể sắm sửa tươm tất cho hai mẹ con người đàn bà...
Thế nhưng, một hôm, khi thức giấc, anh không còn thấy người đàn bà trong căn gác của mình nữa. Anh đưa cô bé vào sâu trong cầu thang và làm trò đùa cho nó cười. Vô tình, căn gác đổ nát sụp xuống trên anh và đứa bé. Anh vừa mang đứa bé đến nhà thờ để xin cha sở chạy chữa, thì người ta cũng phát giác ra sự mất tích của nó... Người ta tri hô lên anh là thủ phạm bắt cóc đứa bé. Cuộc săn đuổi đã làm anh trượt té xuống một dòng sông... Một chiếc phà chạy qua. Chiếc mũ của anh trồi lên. Mọi người tưởng rằng anh đã chết chìm giữa dòng sông... Sự cảm thông và thương tiếc bỗng bừng dậy, người ta lấy chiếc mũ của anh, đặt lên một chiếc quan tài và cử hành nghi lễ tống táng. Người người sụt sùi khóc. Bao nhiêu bài điếu văn được đọc lên để ôn lại tấm lòng cao thượng của người quá cố... Nhưng từ một chòm cây trong nghĩa địa, Gigot lắng nghe tất cả, anh bật thành tiếng khóc, khóc vì sự cảm thông quá muộn màng của người đồng loại, mà có lẽ cũng khóc khi nghĩ đến thân phận của anh.
Hôm nay chúng ta bước vào tháng dành riêng để tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu.... Có riêng một tháng để nhắc nhớ cho con người về Tình Yêu của Thiên Chúa, bởi lẽ con người không hiểu mà cũng dễ quên tình yêu của Thiên Chúa... Thiên Chúa cũng giống như một người tình câm. Ngài làm mọi sự và tìm đủ mọi cách để cho con người hiểu được Tình Yêu của Ngài. Không còn ngôn ngữ nào nữa, Thiên Chúa đành phải dùng chính cái chết, bởi lẽ không có tình yêu nào trọng đại cho bằng mối tình của người chết vì người mình yêu... "Chúng sẽ nhìn xem Ðấng chúng sẽ đâm thâu qua". Qua cái chết của Ðức Kitô trên thập giá, con người mới có thể thấy được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình. Cái chết là ngôn ngữ cuối cùng của Tình Yêu. Mối tình câm lặng nhất đã được bày tỏ...



Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN NĂM B - 31.05.2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN NĂM B - 31.05.2015
CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI - lễ trọng 
Phúc Âm : Mt 28,16-20
Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Suy niệm:
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần - Amen” là nội dung lời kinh có tên là “Dấu Thánh giá”. Đây là bài học đầu tiên mà mỗi người trưởng thành phải học khi muốn gia nhập Giáo Hội. Đó là lời kinh đơn sơ mà những em bé trong gia đình công giáo bập bẹ đọc lên khi vừa biết nói. Lời kinh ngăn gọn mà sâu sắc, hàm chứa chân lý cao siêu của Đạo Kitô, là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. “Dấu Thánh giá” đưa ta vào một thế giới huyền nhiệm là cung lòng Thiên Chúa. Nơi thế giới ấy, ý nghĩa và giá trị chữ số không giống như chúng ta: ba lại là một và một lại là ba. Chỉ có một Chúa, nhưng ba ngôi riêng biệt. Ba ngôi ấy khác biệt mà không bị phân chia, duy nhất mà lại không hoàn toàn hòa nhập. Lời kinh huyền nhiệm này cho ta được hòa mình trong tình yêu vĩnh cửu, hạnh phúc tuôn tràn.
Dấu Thánh giá: lời tuyên xưng đức tin
Khi làm dấu Thánh giá trên mình, tôi tuyên xưng đức tin vào Chúa quyền năng. Ngài là Cha, và Con và Thánh Thần. Với lời kinh đơn sơ ấy, tôi trở về với cội nguồn của truyền thống Kitô giáo ngay từ những thế kỷ đầu. Từ thời xa xưa ấy, cộng đoàn tín hữu Kitô như một nhành cây non vừa tách mình ra khỏi cây cổ thụ Do Thái giáo. Họ đã dựa vào nội dung Tin Mừng để tìm hiểu chính bản tính của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ về Chúa Cha. Người cũng hứa sẽ gửi đến cho họ Chúa Thánh Thần là Đấng Phù trợ (x. Ga 16,26 tt). Cộng đoàn tiên khởi đã dần dần suy tư và tuyên xưng đức tin nơi một Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Ngay từ  kinh Tin kính thời các thánh tông đồ, đức tin vào Chúa Ba Ngôi đã được tuyên xưng cách rõ rệt: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng… tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con một Đức Chúa Cha… Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần…”. Công đồng Rô-ma năm 382 đã viết: “Đây là ơn cứu rỗi của các Kitô hữu: tin vào Chúa Ba Ngôi, tức là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; được thanh tẩy trong Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải tin vững vàng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng, vinh quang và hằng hữu”. Trải qua mọi thế hệ, đức tin Kitô giáo tiếp tục được suy tư và tái khẳng định: “Ba ngôi vị này chỉ là một Thiên Chúa duy nhất chứ không phải ba “thiên chúa”… do sự duy nhất này, Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha và hoàn toàn ở trong Chúa Con…” (Tông sắc Cantate Domini của Đức Giáo Hoàng Eugène IV, năm 1442). Khi làm dấu Thánh giá, tôi xác tín nơi Thiên Chúa, Đấng là lý tưởng và mẫu mực của tôi. Tôi chọn Ngài như đích điểm duy nhất của cuộc đời. Chúa Ba Ngôi là cội nguồn và đích điểm của đời người tín hữu. Tôi được sinh ra trong Chúa Ba Ngôi, cùng đích đời tôi đang nhắm tới cũng là Chúa Ba Ngôi. Nơi Ngài, tôi được ngụp lặn trong bể tình yêu lai láng vô bờ ấy. Trong hành trình trần thế, Chúa Ba Ngôi luôn phù trợ và nâng đỡ tôi: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy” (Ga 14 23). Tôi là một tác phẩm do Chúa Ba Ngôi thực hiện: Chúa Cha sáng tạo cho tôi hiện hữu; Chúa Con Thanh tẩy cho tôi nên sạch trong; Chúa Thánh Thần thêm sức cho tôi lớn mạnh. Ý thức được điều đó, lòng tôi hân hoan vui mừng, vì ngay ở đời này, tôi đã được nếm hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chính nhờ thế mà tôi vững tin và can đảm vượt lên những chướng ngại của cuộc đời. Sức mạnh của đức tin thật kỳ diệu là thế.
Dấu Thánh giá: cội nguồn sức mạnh
Cùng với lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, tôi phác họa hình Thánh giá trên mình: từ trán, xuống ngực và hai vai. Bốn điểm nhấn trên cơ thể tôi làm thành hình Thánh giá. Lời tuyên xưng đức tin của tôi được nhấn mạnh ở một mầu nhiệm rất quan trọng của Kitô giáo, đó là mầu nhiệm cứu chuộc. Đã hơn hai ngàn năm qua, một con người bị treo trên cây gỗ đã trở thành nguồn sức mạnh cho biết bao thế hệ. Người ta đến với cây gỗ để ôn lại một biến cố đã xảy ra trong lịch sử: Con Thiên Chúa chịu đóng đinh trên thập giá. Vâng, Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã mang lấy trên thân thể mình tội lỗi của muôn dân. Người đã chết để cho con người được sống; Người đã đón nhận nhục hình để con người được vinh quang. Đứng trước Thánh giá, người gian ác được cải hoá để trở nên lương thiện; người thù hận được biến đổi để trở thành bao dung. Hai cây gỗ, một ngang một dọc, ẩn chứa bao sức mạnh thần kỳ. Khi làm dấu Thánh giá trên mình, tôi tuyên xưng Chúa đã dùng Thánh giá để chuộc tội cho tôi. Tôi cũng cầu xin Chúa ban sức mạnh để vác thánh giá cuộc đời. Quả thế, mỗi mảnh đời mang một cây thập giá; mỗi đôi vai mang một nỗi truân chuyên. Với tâm tình của Chúa Giêsu, thập giá trần gian sẽ trở nên nhẹ nhàng; với tình yêu rộng mở, gánh nặng cuộc đời sẽ bớt  thê lương “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30). Vâng, khi làm dấu Thánh giá trên mình, tôi muốn làm học trò của Thày Giêsu, để Người dạy tôi nên người trọn hảo. Dấu Thánh giá đem lại cho tôi sức mạng kỳ diệu là thế.
Dấu Thánh giá: sứ mạng của người Kitô hữu
Khi tôi được dìm mình trong dòng nước Thanh Tẩy, linh mục chủ sự tuyên đọc: “Ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tôi được tẩy rửa không phải vì một mục đích trần thế, cũng không phải nhằm đến một lý tưởng nhân loại. Tôi được tẩy rửa nhân danh Thiên Chúa quyền năng. Nhờ lời tuyên đọc đi liền với nghi thức đổ nước trên đầu hoặc dìm mình trong dòng nước, tôi được tái sinh làm người mới, được trở nên đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Và thế là, trong suốt cuộc đời tín hữu của tôi, dù thức hay ngủ, dù làm việc hay nghỉ ngơi, dù ở nhà hay nơi phố chợ, tôi đều nhân danh Chúa Ba Ngôi. “Dấu Thánh giá” giúp tôi nhận ra mình có một sứ mạng cao cả trong cõi nhân sinh bao la này. Thánh Phaolô đã viết: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” ( 1Cr 10,31); hoặc : “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Khi nhân danh Chúa Ba Ngôi, cuộc đời tôi mang một chiều kích mới. Những lời nói của tôi là lời nói thân thiện, những việc làm của tôi là việc làm hữu ích. Một khi đã nhân danh Chúa Ba Ngôi, tôi không còn nói lời hai ý, lời nói của tôi phải là “có” thì nói “có”, “không” thì nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Nhân danh Chúa Ba Ngôi đối với tôi không chỉ là một vinh dự, mà còn là một sứ mạng, đó là làm cho vinh quang Chúa tỏ rạng trong mọi nơi mọi lúc của cuộc sống. Mỗi khi đi đến đâu, tôi làm cho hình ảnh Thiên Chúa rạng rỡ nơi gương mặt và cuộc đời của tôi. Lời nói của tôi là lời của Chúa; việc làm của tôi là việc làm của Chúa. Kitô hữu là người đem Chúa vào đời. Đó chính là ơn gọi chứng nhân mà Đức Kitô đang mời gọi chúng ta thực hiện. Vì  chưa thực sự nhân danh Chúa Ba Ngôi nên tôi còn là nguyên nhân của sự chia rẽ. Vì chỉ nhân danh mình nên tôi còn quá đề cao cá nhân ích kỷ. Nhân danh Chúa sẽ làm cho đời tôi rập khuôn cuộc đời Đấng Cứu thế. Cái tôi ích kỷ được xoá bỏ, đời tôi được tan biến trong biển tình yêu vô biên của Đấng đã tạo dựng nên tôi thành người.
“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, Bạn và tôi, chúng ta hãy đọc lời kinh đơn sơ ấy với tâm tình yêu mến, phó thác và cậy trông, và như vậy, trọn cuộc đời chúng ta luôn là một phản ảnh trung thực của Chân Thiện Mỹ nơi chính cuộc đời này.

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận Hải Phòng

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi sáng thức dậy và trước khi lên giường đi ngủ, chúng con thường ghi dấu Thánh Giá với lời Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết cảm tạ ngợi khen Chúa đã ban ơn đức tin cho chúng con; đồng thời cũng nhắc cho chúng con nhớ, mình đang là chứng nhân của Chúa.

Lẽ sống:
Lòng tốt của mẹ dạy con muốn tiếp tục sống

George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với mẹ mình.
Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.
Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau: "Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?".
Vị tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống".
Hôm đó, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Ysave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa.
Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi già là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Ysave. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.
Bên cạnh Chúa Giêsu, từ  tiệc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.
Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Ysave trong ngày cuối tháng hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này. Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với mẹ. Một vài Kinh Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Lời Chúa: Thứ Bảy Tuần VIII Thường Niên. 30.05.2015

PHÚC ÂM:   Mc 11,27-33
Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi : 28 “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy ?” 29 Đức Giê-su đáp : “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30 Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta ? Các ông trả lời cho tôi đi !” 31 Họ bàn với nhau : “Nếu mình nói : ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại : ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ 32 Nhưng chẳng lẽ mình nói : ‘Do người ta’ ?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33 Họ mới trả lời Đức Giê-su : “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ : “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Suy niệm:
Nhân đức khôn ngoan

“Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy phép Rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta? Trong việc tranh luận giữa Chúa Giêsu với các kinh sư và người biệt phái về quyền đánh đuổi những người buôn bán và đổi tiền trong Đền Thờ. Chúa Giêsu đã không trả lời thẳng câu hỏi của họ; bởi vì Chúa biết những con người này chất vấn Người không có thành tâm, thiện chí để hiểu biết tường tận; nhưng với một tâm địa xấu xa. Chúa đã đặt lại câu hỏi để đánh động lương tâm của họ; nhưng họ đã quanh co, để rồi đồng thanh trả lời “không biết”
Khôn ngoan là một nhân đức trong bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho con người khi họ chịu bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Giống như tất cả các nhân đức, khôn ngoan được ví như hạt giống có đầy đủ tiềm năng, con người phải luyện tập thì nhân đức mới phát triển được; nếu không chịu luyện tập, con người có thể mất nó. Nhân đức khôn ngoan giúp con người nhận ra các sự thật của Thiên Chúa và mau mắn thi hành. Các bài đọc hôm nay tập trung trong nhân đức khôn ngoan: làm sao để tìm được và thi hành khôn ngoan. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca cho độc giả những cái nhìn rất thâm sâu về Đức Khôn Ngoan: nó là một tiến trình của cả đời người, con người phải cầu nguyện mới có, con người phải thực hành những gì học được, giữ luật Thiên Chúa, và nhất là phải biết giữ tâm hồn trong sạch mới sở hữu được Đức Khôn Ngoan. Trong Phúc Âm, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến chất vấn Chúa Giêsu lý do tại sao Người đánh đuổi các con buôn ra khỏi Đền Thờ. Chúa đặt cho họ một câu hỏi để thử xem họ có thành thật muốn đi tìm sự thật không; nhưng khi thấu hiểu thâm tâm gian dối của họ, Ngài không trả lời cho họ biết sự thật.
Chúa Giêsu không dạy sự thật cho những người khinh thường sự thật. Trước khi trả lời câu hỏi của họ, Chúa thách thức họ dám nói sự thật bằng việc đặt với họ một câu hỏi: Phép rửa của Gioan bởi đâu? do Trời hay do người ta?
Họ có đủ khôn ngoan để nhận ra sự thật; nhưng không dám nói thật. Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: "Do Trời," thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Nhưng chẳng lẽ mình nói: "Do người ta?" Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giêsu: "Chúng tôi không biết." Đức Giêsu liền bảo họ: "Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy." Ngài biết chẳng ích lợi gì để giảng giải sự thật cho những con người gian dối, không dám nói thật, chứ chưa nói tới việc thi hành sự thật. Họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, họ nhân danh Thiên Chúa và lợi dụng niềm tin của những con người ngây thơ chất phác để kiếm lợi nhuận vật chất.

Sống Lời Chúa:
Đức Khôn Ngoan đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ ban nó cho những ai thành tâm cầu nguyện và kiên trì học hỏi. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện trước khi bắt đầu học hỏi Đức Khôn Ngoan. Học khôn ngoan là tiến trình dài cả cuộc đời và trong mọi biến cố của cuộc đời. Để sở hữu Đức Khôn Ngoan, chúng ta phải tìm dịp thi hành trong cuộc đời thì mới sinh ích lợi. Một người chỉ biết mà không thi hành, dần dần mất luôn những điều họ đã học được.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn tất cả chúng con phải thành tâm kiếm tìm sự thật để mà tin. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn học hỏi suy niệm Lời Chúa để tin và tin để học biết Lời Chúa, hầu đem lại hoa trái cho đời sống của chúng con hôm nay và mai sau.
   
Lẽ sống:
Một chỗ khủng khiếp

Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là "Một chỗ khủng khiếp" như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp: "Mai là ngày lễ Phục Sinh".
Nghe thế, tôi tự hỏi: "Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?...". Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: "Ðức Kitô đã sống lại thật".
Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.
Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào: "Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác không quan trọng gì cho lắm". Nói xong cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.
Ðược dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: "Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến". Tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu Tuần VIII Thường Niên. 29.05.2015

PHÚC ÂM:   Mc 11,11-26
Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Anh em hãy tin vào Thiên Chúa.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
11 Đang khi đám đông reo hò vang dậy, Đức Giê-su tiến vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.
12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. 13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. 14 Người lên tiếng bảo cây vả : “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa !” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
15 Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc, và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. 16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17 Người giảng dạy và nói với họ : “Nào đã chẳng có lời chép rằng : Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao ? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !” 18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. 19 Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.
20 Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. 21 Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su : “Kìa Thầy xem : cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi !” 22 Đức Giê-su nói với các ông : “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23 Thầy bảo thật anh em : nếu có ai nói với núi này : ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển !’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. 24 Vì thế, Thầy nói với anh em : tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. [26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em].”

Suy niệm:
Đền thờ tâm hồn

Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.”
Trong lần này Chúa Giêsu đến trong Đền Thờ Giêrusalem với tư cách là một ngôn sứ. Nên khi Người thấy nơi này biến thành nơi mua bán như là hang trộm cướp; Người đã có hành động dứt khoát, đánh đuổi tất cả ra khỏi Đền Thờ. Đồng thời Người lên tiếng để đánh thức hết những ai đang toan tính, đang suy nghĩ, đang làm công việc sai trái đối với Đền Thờ thì phải biết chỉnh sửa lại.
Thiên Chúa tạo dựng mọi sự trong vũ trụ là cho một mục đích, chẳng có gì gọi là ngẫu nhiên mà có hay không mang một mục đích nào cả. Ví dụ, tạo dựng cây cỏ cho bò ăn; khi bò lớn, bò trở thành thịt cho con người ăn hay để cày bừa; khi con người tăng trưởng, con người trở thành hữu ích cho tha nhân phần xác, hay rao giảng Tin Mừng để đưa con người về cho Thiên Chúa. Vật nào hay người nào không sinh hoa kết quả hay không đạt được mục đích sẽ bị Thiên Chúa loại ra ngoài để lấy chỗ cho vật khác hay người khác biết sinh lợi cho Ngài.
Các bài đọc hôm nay nhằm giúp con người hiểu thấu ơn gọi và mục đích của họ trong cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca so sánh giữa hai dòng dõi: Một bên là dòng dõi vô danh, chẳng để lại gì cho hậu thế, họ qua đi như chẳng bao giờ có mặt trong cuộc đời, và con cháu họ cũng sống cuộc đời vô nghĩa như họ vậy. Một bên là dòng dõi của những người công chính, họ biết sống theo mục đích mà Thiên Chúa đã tiền định cho họ, con cháu họ cũng biết noi gương sống cuộc đời công chính và ngay lành như họ; và cứ thế dòng dõi họ sẽ tồn tại đến muôn đời.
Cây vả hay Đền Thờ có lẽ được Chúa Giêsu ví với dân thành Jerusalem. Thiên Chúa chờ đợi họ thay đổi đã biết bao năm rồi, nhưng họ đã không sinh hoa kết quả gì cả. Một sự kiện lịch sử đáng chú ý là Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy bình địa xảy ra chỉ ít lâu sau đó (vào năm 70 AC); và từ đó đến nay mọi dân tộc trên khắp địa cầu thờ phượng Chúa, không phải ở Jerusalem; nhưng trong thần khí và sự thật.
Đạo không phải chỉ là những lễ nghi trong Đền Thờ. Điều quan trọng nhất của đạo là niềm tin vững mạnh của người tín hữu vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh điều này với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!” mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.”
Ngoài ra, tình yêu đối với Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu dành cho tha nhân. Người dạy họ: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em."

Sống Lời Chúa:
Mỗi người chúng ta sống trong bậc gia đình đều được Thiên Chúa trao ban cho một số người con hay tín hữu để được huấn luyện. Chúng ta hãy chu toàn nhiệm vụ bằng cách giáo dục họ theo đường lối Thiên Chúa và chỉ đường cho họ tới với Ngài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã xem tâm hồn và thân xác của chúng con là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, nhờ phép Rửa Tội và ơn Cứu Độ của Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết giữ gìn mình bằng những Bí tích mà Chúa đã ban cho, để chúng con khỏi phải bị Chúa quở trách.
   
Lẽ sống:
Ðỉnh cao

Ðỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề "Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên". Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu "Ông ta chết trong lúc đang leo".
Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: "ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai". Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.



Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên. 28.05.2015

Thánh Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri
PHÚC ÂM:   Mc 10,46-52
Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
46 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 49 Đức Giê-su đứng lại và nói : “Gọi anh ta lại đây !” Người ta gọi anh mù và bảo : “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !” 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi : “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh mù đáp : “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” 52 Người nói : “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

Suy niệm:
Được Chúa cứu chữa

Đây là tiếng kêu của anh mù, đây là tiếng tuyên xưng của anh, dù mắt anh không thấy, Đây là niềm tin duy nhất của anh đặt vào tình thương của Chúa Giêsu, là Đấng Kitô, cho dù có rất nhiều sự ngăn cản, quát nạt; nhưng anh không tuyệt vọng, càng kêu lớn hơn; anh đã được Chúa cứu chữa, cho anh được thấy.
Trong năm giác quan của con người, con mắt là quan năng cao trọng hơn cả; vì chúng cung cấp cho trí khôn những ảnh niệm để suy luận. Con mắt được dùng để nhìn và để đọc. Con người có thể dùng con mắt để nhìn thấy những kỳ công của Thiên Chúa tạo dựng, hay để đọc những gì hay mà người khác viết về Ngài. Con mắt luôn đi đôi với trí khôn suy luận. Con người có thể suy luận để biết có Thiên Chúa qua tất cả những gì con người nhìn thấy hay đọc được.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong sự quan trọng của con mắt. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dùng con mắt để chiêm ngưỡng những kỳ công Thiên Chúa tạo dựng, và dùng trí khôn để suy niệm sự quan phòng của Thiên Chúa, trước khi ông có thể tường thuật lại những gì Ngài làm để cho thế hệ tương lai được biết. Trong Phúc Âm, anh mù Bartimê đã cảm nghiệm được sự đau khổ của việc mù lòa, nên khi biết Đức Kitô đi ngang qua, anh nhất định la to lên xin chữa lành, và Ngài đã cho anh nhìn thấy.
Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Thiên Chúa không bao giờ từ chối con cái vững lòng trông cậy nơi Ngài. Chúa Giêsu ban ánh sáng cho người mù vì Ngài nhìn thấy khát vọng được có ánh sáng và niềm tin của anh. Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. Thiên Chúa chắc chắn không để những người muốn tìm hiểu về Ngài phải thất vọng. Ngài ban cho mọi người có rất nhiều cơ hội để học hỏi về Ngài và về Đức Kitô, qua việc gởi các sứ giả đến rao giảng Tin Mừng bên ngoài và gởi Thánh Thần làm việc bên trong tâm hồn con người. Ai thành tâm đi tìm Ngài, chắc chắn sẽ được Ngài cho gặp.

Sống Lời Chúa:
Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, chúng ta hãy biết dùng đôi mắt để nhận ra những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm và tin vào Ngài. Người mù phần xác đã khổ, người mù về tâm linh còn khổ hơn. Chúng ta đừng nhìn những gì Thiên Chúa tạo dựng cách thờ ơ, lãnh đạm; nhưng phải biết suy nghĩ để nhận ra Người đã tạo dựng nên chúng ta và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, qua người mù Báctimê này. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, và cho chúng con biết vất bỏ tất cả mọi sự che chở thân xác con, để đứng thẳng dậy, chạy về hướng tiếng Chúa mời gọi, để được cứu chữa và được thấy.
   
Lẽ sống:
Người tín hữu cuối cùng

Tiểu thuyết gia Graham Greene thuật câu chuyện ông dự định viết như sau: Ðây là một chuyện giả tưởng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống trị do một đảng duy nhất. Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một khách sạn nhỏ vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật. Một người khách già nua, mệt nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến vào khách sạn, xin thuê một phòng. Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng. Người quản gia nhìn vào bản lý lịch và buộc miệng hỏi anh thư ký:
- Anh có biết ai đấy không?
- Làm sao tôi biết được. Anh thư ký trả lời.
- Ðức Giáo Hoàng đấy! Người quản gia quả quyết để anh thư ký tròn xoe đôi mắt hỏi vặn lại: Ðức Giáo Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là gì?
Ðạo công giáo lúc ấy đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất được sống sót. Mạng Ngài còn được dung tha vì hai lý do: thứ nhất, đẻ chứng minh cho chính Ngài và cho mọi người là Giáo Hội đã chết và thứ hai, để theo dõi xem có tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài không.
Khi đã biết chắc chắn 100% là duy có Ngài là độc nhất còn mang đức tin công giáo, nhà độc tài cho độ Ngài đến và tự tay lảy cò súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng. Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lóe ra trong đầu óc nhà độc tài: Có thể điều này ông tin lại có thật, thì sao?
Xuyên qua đời sống tính nhân của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ tự hỏi: Tại sao họ lại sống như thế? Tại sao họ không chạy theo trào lưu, sống như nhưng kẻ khác, thời bây giờ ai lại không mánh mung lừa đảo, chợ đen chợ đỏ, v.v...? Lý tưởng nào hay ai đã ghi hình ảnh trên họ? Tại sao họ lại sống ở giữa chúng ta? Như thế đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của tín hữu, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu. Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài mang tựa đề "Truyền giáo trong xã hội tân tiến", Chúa Giêsu đã khẳng định: "Các con là muối đất", "Các con là ánh sáng thế gian". Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín là họ xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.