Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Lời Chúa: Chúa Nhật XXIV TN - năm A. 14.9.2014

PHÚC ÂM:   Ga 3,13-17
“Con Người sẽ phải được giương cao”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
Suy niệm
Thập giá giữa đời hôm nay
Tôi vừa nhận được một video clip do một người bạn gửi qua email. Nội dung clip này ghi lại cảnh những binh lính thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) giết hại những Kitô hữu tại Syria. Hàng chục người tín hữu tay bị trói và bị bắt quỳ trên đất, những người lính bịt mặt dí súng vào đầu họ rồi bóp cò, trong lúc hàng trăm người khác nhảy mừng tung hô như những kẻ say máu. Tôi không thể xem hết những hình ảnh này, vì nó quá dã man và kinh hoàng. Chúa ơi, tại sao những người này lại tàn sát các tín hữu của Chúa một cách ghê rợn? Không thể tưởng tượng tại sao những hành động như vậy lại đang xảy ra trên hành tinh của chúng ta ở thế kỷ 21, khi mà con người không ngừng kêu gọi ngưng bạo lực và bảo vệ nhân quyền, thậm chí là bênh vực và bảo vệ những loài động vật. Không chỉ giết hại những người công giáo, những hình ảnh do chính nhóm Nhà nước Hồi giáo phát tán trên internet còn cho thấy những cuộc tàn sát dân lành, trẻ em và phụ nữ tại Iraq và Syria. Từng đoàn người đang bỏ lại đàng sau quê hương xứ sở của mình để lên đường tỵ nạn tới một nơi vô định và một tương lai mù mịt.
Trong những ngày qua, dư luận thế giới bàng hoàng trước việc binh lính Nhà nước Hồi giáo giết hại hai nhà báo người Mỹ là James Wright Folley 40 tuổi và Steven Sotloff, 31 tuổi. Hai nhà báo này đã bị giết hại bằng hình thức chặt đầu, như thời trung cổ.. James Wright Folley bị giết ngày 19-8-2014 và Steven Sotloff bị giết ngày 2-9-2014. Sự kiện này cùng với bạo lực ngày càng nghiêm trọng đã khiến cho tổng thống Mỹ Obama hôm 10-9 thề sẽ tiêu diệt hoàn toàn nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Không chỉ những Kitô hữu ở Syria hay ở vùng Trung Đông, những nhà truyền giáo và hoạt động tông đồ đang bị bách hại và giết chết ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày chúa nhật 7-9 vừa qua, ba nữ tu cao niên, cả đời phục vụ người nghèo ở Phi châu, chị Lucia Pulici 75 tuổi, và Olga Raschietti 83 tuổi, bị cắt cổ chiều Chúa nhật trong tu viện ở Kamenge, ngoại ô Bujumbura của Burundi. Sau đó, nữ tu Bernedetta Boggian, 79 tuổi, từ hơn 44 năm nay phục vụ tại Trung Phi, Congo và Burundi, cũng bị chém đầu trong đêm hôm ấy.
Trước tình hình bạo động và tàn sát các Kitô hữu tại một số nước vùng Trung Đông, Đức Thánh Cha đã cử vị Đặc sứ của Ngài là Đức Hồng Y Filoni, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, đến tham và ủy lạo các cộng đoàn tín hữu tại Iraq từ ngày 13 đến ngày 20-8-2014. Đức Hồng Y đặc sứ đã trình bày với Đức Thánh Cha về tình trạng thê thảm tại Iraq: các làng mạc bị bỏ hoang vì người dân lành bị xua đuổi. Các nhà thờ bị tàn phá. Người dân ở đây thiếu thốn mọi nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hằng ngày và bạo lực mỗi ngày một gia tăng.
Khi tàn sát dã man những người dân vô tội, những người Hồi giáo dòng SITE gọi cuộc khủng bố của họ là một cuộc thánh chiến. Họ mượn danh Thiên Chúa để làm điều ác. Họ phong chức “tử đạo” cho những binh lính chết trong khi tham gia những cuộc bạo loạn này! Con người không ngừng nhân danh Chúa để tàn sát lẫn nhau. Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta: “Sẽ đến giờ mà kẻ nào giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2).
Người Do Thái đã kết án Chúa Giêsu khổ hình thập giá. Người đã chịu chết trên thập giá để biểu lộ tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại. Trải qua hơn 20 thế kỷ, con người vẫn không ngừng ghen ghét sát hại những người tin Chúa. Thập giá ngày hôm nay vẫn đang hiện diện nơi cuộc đời, khi con người đối xử tệ bạc với nhau. Thập giá hiện diện nơi gia đình khi sự chung thủy và tình yêu bị phản bội. Thập giá hiện diện nơi cộng đoàn giáo xứ khi mọi người chia rẽ và thù ghét nhau. Thập giá hiện diện nơi cuộc đời, khi con người đối xử với nhau bằng mưu mô tính toán và ích kỷ hẹp hòi. Thập giá vẫn còn đó và chúng ta được mời gọi hãy mang thập giá cho nhau bằng cách hãy sống với nhau cách trung thực, nhân hậu. Đừng tăng thêm gánh nặng cuộc đời cho anh chị em mình, vì cuộc đời đã là một gánh nặng khó vác.
Trong bối cảnh xã hội vùng Trung Đông và trên thế giới hôm nay, chúng ta là những Kitô hữu được mời gọi hiệp thông cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta đang phải vác thánh giá. Sứ mạng làm chứng và tử đạo luôn luôn gắn liền với cuộc đời Kitô hữu. Đây đó trên thế giới này, luôn luôn có những cuộc tàn sát đẫm máu vì lý do sắc tộc hoặc lý do tôn giáo. Thế gian ghen ghét các môn đệ của Chúa, như họ đã ghen ghét và lên án tử cho Người. Người Kitô hữu chân chính là người biết nhìn lên thập giá để mỗi ngày, để nhận ra sự hiện diện của Đấng đã chịu treo trên đó, đồng thời cảm nhận tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngắm nhìn thập giá cũng giúp chúng ta tìm được sức mạnh để bước đi trong cuộc đời đầy gian nan thử thách này, nhờ đó mà chúng ta vững tin như Chúa nói với chúng ta: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).
Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho anh chị em chúng con đang chịu bách hại trên khắp thế giới. Xin Chúa thêm sức cho họ, để họ biết chiến thắng bạo lực bằng tình yêu thương và tha thứ.

Xin Chúa giúp chúng con vác thập giá cuộc đời hôm nay, để nhờ ơn Chúa, chúng con cũng biết vác thập giá giúp anh chị em chúng con. Amen
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng

Hôm nay, chúng ta không phải chỉ suy tôn Thánh giá trong lời kinh tiếng hát hay trong những nghi thức phụng vụ, mà còn phải biết suy tôn Thánh gía trong chính cuộc sống chúng ta, bằng cách chấp nhận những hy sinh gian khổ mà chúng ta gặp phải vì lòng yêu mến Chúa, bởi vì đó chính là cây thập giá đời thường Ngài muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài.

Bên trên những gai nhọn là cánh hồng nở thắm. Bên trên thập giá đời đời thường là vinh quang phục sinh chờ đón.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian.
Lẽ sống:
Quyển sách cao siêu nhất

Người ta thường mượn câu chuyện sau đây để nói đến tinh thần hy sinh, chấp nhận trong cuộc sống.
       Có một người kia cứ phàn nàn trách Chúa vì đã gửi đến cho mình một thập giá quá nặng... Chúa bèn đưa người đó đến một cửa hàng có các thập giá đủ cỡ để người đó chọn lựa.
        Người đó hăm hở bước vào cửa hàng và dựng cây thập giá của mình vào tường. Người đó tự nhủ trong lòng: "Ðây là chuyện cả đời người, ta phải hết sức cẩn thận".
        Thế là anh ta đi rảo khắp hết mọi lối đi của cửa hàng và thử hết cây thập giá này đến cây thập giá khác. Nhưng không có một cây nào làm anh vừa lòng. Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn. Cây thì quá nhẹ, cây thì quá nặng... Anh lại tiếp tục tìm kiếm. Cuối cùng, anh đã tìm được cây thập giá mà anh cho là ưng ý nhất. Anh mang đến với Chúa và nở nụ cười mãn nguyện: "Lạy Chúa, đây chính là cây thập giá mà con hằng tìm kiếm. Con xin vác lấy". Khi anh vừa hí hửng ra khỏi cửa hàng, thì Chúa mỉm cười nói với anh: "Ta rất vui mừng vì con đã chấp nhận cây thập giá. Ðây cũng chính là cây thập giá mà con đã vác vào và dựng ở tường của cửa hàng".

       Hôm nay Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu Mầu Nhiệm Thập Giá trong đời sống Ðức Tin của chúng ta. Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars bên Pháp, đã nói: "Thập giá là quyển sách cao siêu nhất... Chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm quyển sách này, những người đó mới thật sự là người thông thái".
       Thập giá Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất, bởi vì, đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu. "Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu". Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất của con người đã có thể nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình Yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu dâng hiến cho nhân loại...
      Suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta được đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Chúa. Trong Mầu Nhiệm ấy, cuộc sống của chúng ta không còn bị đè bẹp dưới sức nặmg của những đau khổ nữa, nhưng luôn mang lấy một ý nghĩa: đó là ý nghĩa của Tình Yêu.

Thời sự:  
Xin cầu nguyện cho những người Công giáo Iraq

Trong mấy tuần lễ qua chúng ta chắc chắn đã nghe tin về quân Hồi giáo cực đoan ISIS đang thảm sát những người Kitô giáo trong những nơi mà chúng đã đánh chiếm được miền bắc Iraq. 

- Đây là các Kitô hữu đã sống ở miền bắc Iraq và Syria trong gần hai ngàn năm, từ thời các thánh Tông Đồ của Chúa Giêsu, họ đã rất trung thành cho tới nay. Trước khi đạo Hồi giáo xuất hiện ít nhất là sáu trăm năm, hôm nay họ đang đối mặt với sự diệt chủng rất khủng khiếp trong khu vực.Một tuần trước, các Kitô hữu Đã được cảnh báo hoặc là rời khỏi thành phố Mosul và các khu vực khác dưới sự kiểm soát Nhà nước Hồi giáo, hoặc họ sẽ phải trả một khoản thuế rất cao do nhóm Hồi giáo ISIS tự đạt ra, hoặc bị xử tử chặt đầu.

Trong những vùng đã bị quân Hồi giáo ISIS chiếm đóng rất ít tin tức được lọt ra ngoài, còn những tin và hình ảnh giết người do chính họ đưa ra thì chúng ta chỉ thấy được một phần rất nhỏ thôi nhưng đã nói lên cái dã man và khủng khiếp qúa rồi. 
Trong vài ngày qua những hình ảnh vô cùng của sự "ác độc dã man" đã cho chúng ta thấy rằng: Một cháu bé gái Công Giáo mới 2 tuổi mà chúng cũng không tha. chúng lôi em ra chắt đầu trước mặt mẹ và những người thân của cháu, gần bên cạnh một thánh đường và bắt mọi người Kitô giáo phải đổi sang Hồi giáo, nếu không số phận cũng sẽ là như em bé gái này tất cả!. 

A Christian girl beheaded by ISIS terrorists. There is no doubt that we face genocide.
Một nhóm tám thanh niên Công giáo cũng đã bị chúng lôi ra đóng đinh vào Thập tự giá và tra tấn hành hình cắt cổ liền sau đó.
Hôm nay ngày 14.08.2014 Human Rights Watch đã cho biết tất cả những ngôi nhà của người Công giáo ở Mosul đã được sơn lên bằng chữ đỏ để chỉ gia đình Kitô Giáo.  Những Kitô hữu đã trốn thoát được kể lại là họ bị tước đoạt tất cả tài sản của, ngoại trừ quần áo của họ đang mặc trên người. Tất cả đồ trang sức, tiền bạc, xe cộ, ngay cả thức ăn và nước cũng đã bị tịch thu. Vì trên các tuyến đường di chuyển xung quanh thị trấn của người Kitô hữu buộc phải đi qua nhiều trạm kiểm soát của quân khủng bố Hồi giáo ISIS. 

Đó là những gia đình có chút của cải và mạnh khỏe còn lại những người qúa nghèo và ốm yếu thì không thể đi được nên còn kẹt ở lại thì sẽ bị xử tử nếu không đổi sang theo Hồi giáo.
Quân ISIS Hồi giáo tuần qua trong một Video do chúng công bố đã đập nát tượng Đức Mẹ trong hình ảnh một Thánh đường bị phá hủy tan hoang. Tượng chúa Giêsu thì bị chúng chặt đầu nằm trên nền nhà thờ. 
Ước tính cho rằng, có khoảng 200.000 Kitô hữu sống trong khu vực. Những người Kitô Giáo đã bị sát hại chưa thể kiểm chứng chính xác được. Người ta chỉ có thể phỏng đoán căn cứ theo sự mất tích là 10.000 - 50.000 (từ mười ngàn đến năm mươi ngàn người) Những người Công Giáo ở Mosul, đang phải trốn lên các dãy núi ở Barren Sinjar với người Yazidis trong những hang động và hốc núi, chịu sự đói khát bệnh tật, còn hàng trăm người khác thì đi lang thang trong sa mạc mà không có ai giúp đỡ.
Kính xin mọi người giúp đỡ và cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban an lành đến những người đang khốn khổ được bình an, và xin cho những con người đang trong cơn say máu giết người được tỉnh ngộ.

Lá thư của Đức Thánh Cha gởi ông Ban Ki-moon về thảm trạng nhân đạo tại Iraq
J.B. Đặng Minh An dịch 15.8.2014

Kính thưa Ông Ban Ki-moon 
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc 

Tôi đã và đang theo dõi với một tâm trạng nặng nề và đau khổ các sự kiện đầy bi đát trong những ngày qua ở miền Bắc Iraq, nơi các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác đã bị buộc phải trốn chạy khỏi nhà cửa của mình và chứng kiến sự tàn phá những nơi thờ phượng và các di sản tôn giáo. Xúc động trước tình cảnh của họ, tôi đã yêu cầu Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, người đã từng là đại diện của những vị tiền nhiệm của tôi, là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, tại Iraq, để bày tỏ sự gần gũi tinh thần của tôi và bày tỏ mối quan tâm của tôi, và của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, trước những đau khổ không thể chịu đựng nổi của những người chỉ muốn sống trong hòa bình, hòa hợp và tự do trên mảnh đất cha ông mình. 
Trên tinh thần đó, tôi viết thư cho ông Tổng thư ký, với những giọt nước mắt, sự đau khổ và tiếng kêu tuyệt vọng chân thành của các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác tại mảnh đất yêu dấu Iraq. Trong lời kêu gọi khẩn cấp gởi đến cộng đồng quốc tế hãy hành động để chấm dứt thảm kịch nhân đạo đang diễn ra, tôi khuyến khích tất cả các cơ quan có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm về an ninh, hòa bình, về luật nhân đạo và sự hỗ trợ cho người tị nạn, hãy tiếp tục những nỗ lực phù hợp với Lời Mở Đầu và các điều có liên quan của Hiến chương Liên Hợp Quốc. 

Các cuộc tấn công bạo lực trải dài trên miền Bắc Iraq không thể không đánh thức lương tâm của tất cả những người nam nữ thiện chí với các hành động cụ thể của tình liên đới để bảo vệ cho những người bị ảnh hưởng hoặc bị đe dọa bởi bạo lực; và để bảo đảm đưa ra sự hỗ trợ cần thiết và cấp bách cho người tị nạn cũng như tạo ra các điều kiện cho họ được an toàn trở về thành phố, làng mạc và gia đình của họ. Những kinh nghiệm bi thảm của thế kỷ hai mươi, và sự hiểu biết cơ bản nhất về phẩm giá con người, đòi buộc cộng đồng quốc tế, cách riêng là qua các chuẩn định và các cơ chế luật pháp quốc tế, phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn và để chặn đứng ngay những hình thái bạo lực có hệ thống chống lại các sắc tộc, và các nhóm tôn giáo thiểu số. 
Với lòng tin tưởng rằng thỉnh nguyện thư của tôi, trong đó tôi hiệp nhất với các Thượng Phụ các Giáo Hội Đông Phương và các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác, sẽ được đáp trả tích cực, tôi xin nhân cơ hội này bày tỏ lòng quý trọng cao nhất dành cho ngài. 

Từ Vatican, ngày 09 tháng 8 năm 2014
+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
(VietCatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét